Sân khấu thành phố sẵn sàng trở lại

Sau nhiều tháng tạm ngừng, các sân khấu kịch, hát bội, cải lương, xiếc, múa rối… đang từng bước trở lại, thích nghi với nhịp sinh hoạt mới. Thông qua việc lên sàn tập, tổ chức ghi hình, biểu diễn phục vụ khán giả trực tiếp, phát trên các fanpage, kênh YouTube các đơn vị nghệ thuật công lập và xã hội hóa, đã có những tác phẩm hấp dẫn và ý nghĩa đến với người xem.

Đầu tư tác phẩm mới

Sau khi hoàn thành vở múa rối cạn Lòng mẹ (tác giả: Trần Kim Khôi - Quốc Bảo, đạo diễn: Đặng Trí Đức, biên đạo múa: NSƯT Thùy Chi), Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam bắt tay thực hiện vở múa rối nước Anh hùng Nguyễn Trung Trực (kịch bản: đạo diễn Mai Thắm, đạo diễn: Ngọc Hải - Thu Thủy, cố vấn nghệ thuật: NSND Triệu Trung Kiên).

Đạo diễn Lê Diễn, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, chia sẻ: “Năm 2020, nhà hát tham gia biểu diễn múa rối cổ ở lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực tại tỉnh Long An. Từ đây, tôi có ý định dàn dựng một vở múa rối nước về người anh hùng dân tộc. Tôi đã đặt hàng đạo diễn Mai Thắm viết để nhà hát có thêm một tác phẩm múa rối nước lịch sử ý nghĩa, cũng là cách làm thể nghiệm mới. Gần 50 con rối nước được sáng tạo bằng khuôn đất sét, quét composite, dùng nhựa để tạo hình, thay thế cho gỗ (vật liệu làm con rối truyền thống). Cách làm con rối này tiện lợi, thời gian thực hiện ngắn, chất liệu nhẹ, có độ bền cao, chi phí thấp, phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu sử dụng của tác phẩm”.

Vở rối nước Anh hùng Nguyễn Trung Trực có thời lượng 60 phút với 20 diễn viên biểu diễn, đang ở giai đoạn làm hậu kỳ. Trong thời gian tập luyện, nhà hát cũng duy trì việc tuân thủ quy tắc 5K. 

Các sân khấu kịch nói TPHCM cũng tất bật lên sàn các vở mới để chuẩn bị cho đợt Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc đợt 2 diễn ra tại TPHCM vào đầu tháng 1-2022. Sẽ có 16 đơn vị tham gia liên hoan với 21 tác phẩm kịch nói mang đậm dấu ấn sân khấu TPHCM. Trong đó, Sân khấu kịch Hồng Vân đã hoàn thành công tác dàn dựng vở Ngôi nhà trên thuyền (tác giả Xuân Trang, đạo diễn: NSND Hồng Vân - Xuân Trang).

NSND Hồng Vân cho biết: “Tuy là vở kịch nặng về tâm lý, đề cao các giá trị nhân văn, nhưng trong dàn dựng, chúng tôi cố gắng giữ vững tiêu chí giải trí cần thiết để vở vẫn tạo được sức hấp dẫn, cuốn hút khán giả. Tôi cũng chọn dấu mốc sáng đèn hoạt động trở lại cho Sân khấu kịch Hồng Vân, biểu diễn phục vụ khán giả trực tiếp vào dịp Noel và Tết Dương lịch 2022”. 

Đẩy mạnh tiếp cận trực tuyến

Phó Giám đốc phụ trách và điều hành Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM Võ Hồ Hoàng Vũ thông tin: “Bên cạnh hoạt động tổ chức biểu diễn trực tiếp, nhà hát cố gắng duy trì công tác tập luyện, dàn dựng vở mới tại sân khấu nhà hát gắn liền với quy tắc 5K. Chúng tôi cũng đang thực hiện ghi hình chương trình nghệ thuật tổng hợp (hát bội, xiếc, ảo thuật...) để trong tháng 12-2021 phát trên fanpage, kênh YouTube của nhà hát”.

Sân khấu thành phố sẵn sàng trở lại ảnh 1 Các nghệ sĩ hát bội diễn phục vụ khán giả tại Đền thờ Vua Hùng - Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Việc đẩy mạnh mô hình tiếp cận khán giả qua kênh trực tuyến đang là xu thế chung của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật toàn cầu. Nhất là thời điểm hiện nay, khi dịch Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động biểu diễn trực tiếp phục vụ khán giả. Vậy nên, các chương trình nghệ thuật truyền thống tại TPHCM cũng đã nhanh chóng thích ứng để tiếp cận khán giả, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị nghệ thuật dân tộc.

Trên tinh thần đó, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vừa hoàn thành buổi ghi hình các tiết mục đoạt Huy chương vàng Cuộc thi tài năng sân khấu diễn viên Trần Hữu Trang để quảng bá cuộc thi sâu rộng hơn. Chương trình sân khấu thiếu nhi được nhà hát thực hiện hàng năm cũng đang được ghi hình để phát trực tuyến trên kênh YouTube.

Sau khi hoàn thành vở múa rối nước Anh hùng Nguyễn Trung Trực, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam sẽ ghi hình chương trình “Bảo tồn nghệ thuật truyền thống” để có nhiều hơn cơ hội phục vụ khán giả thông qua kênh trực tuyến. Nhà hát Kịch TPHCM, Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh TPHCM, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen có hoạt động ghi hình các chương trình nghệ thuật mới phục vụ trực tuyến thời gian tới. 

Đặc biệt, với các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi, các đơn vị ghi hình sẽ sắp xếp thời gian để phát trên kênh YouTube nhà hát, fanpage, website của các đơn vị nghệ thuật và chuyển nội dung về Thành đoàn TPHCM, các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa quận, huyện để phục vụ thiếu nhi.

Ba tuần qua, hoạt động tổ chức biểu diễn trực tiếp vào những ngày cuối tuần ở sân trước Đền thờ Vua Hùng - Thảo Cầm Viên Sài Gòn và tại Di tích lịch sử văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM thu hút rất đông khán giả đến xem, thưởng thức các trích đoạn, tiết mục: múa chào mừng Nhật Nguyệt Bát Thiên Vương, Đào Tam Xuân đề cờ, Hỏa thiêu Hoàng Lễ, Trần Bình Trọng tuẫn tiết, Tạ Ôn Đình chém Khương Linh Tá, Lê Công kỳ án…

Ngoài ra, nghệ sĩ nhà hát cũng đang ráo riết tập vở mới Chiếc áo thiên nga (tác giả: Lê Duy Hạnh, chuyển thể hát bội: NSƯT Hữu Danh, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu).  

Tin cùng chuyên mục