Sẵn sàng cho mọi tình huống

Cũng như ở các tuyến biên giới miền Bắc và miền Trung, hơn 2 tháng qua, các lực lượng chức năng tuyến biên giới Tây Nam và Tây Nguyên đã dốc toàn lực tuần tra, kiểm soát, phối hợp với ngành y tế địa phương thực hiện nghiêm việc kiểm soát y tế đối với người dân qua lại tuyến biên giới, phòng chống dịch Covid-19. 
Người dân xếp hàng thực hiện các thủ tục theo quy định tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Người dân xếp hàng thực hiện các thủ tục theo quy định tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Tận tâm, chu đáo

Chúng tôi gặp Thiếu tá Nguyễn Việt An, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (thuộc BĐBP tỉnh Quảng Trị), anh cho biết: “Ban đầu người dân còn phàn nàn, bức xúc về việc cách ly y tế, nhưng khi được tuyên truyền vận động thì đều đồng tình và thực hiện nghiêm theo quy định. Hành khách sau khi làm thủ tục nhập cảnh sẽ được đưa về khu cách ly tạm tại cửa khẩu, sau đó chở về các địa điểm cách ly tập trung tại Huế và Quảng Trị”. 

Tuần rồi, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình chuyển sang trụ sở mới nên đã dành trụ sở cũ còn sử dụng tốt cơ sở vật chất để cách ly 200 người vừa về tại cửa khẩu Cha Lo. Trước đó đã có hơn 600 người gốc ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Dương, Ninh Bình… được đưa về cách ly y tế tại các cơ sở tập trung của tỉnh Quảng Bình. Để tránh quá tải cho Quảng Bình, sau khi phun thuốc khử trùng, đo thân nhiệt 140 người từ Lào về, áp dụng các biện pháp y tế khẩn cấp, nhà xe Đức Hiếu (Nghệ An) đã chở khách đến khu cách ly tỉnh Nghệ An, chia lửa cho Quảng Bình. “Chúng tôi thực hiện chuyến xe từ thiện miễn phí, mong anh em nhà xe cũng như 140 hành khách nhập cảnh cách ly tốt 14 ngày và trở về với gia đình an toàn”, đại diện nhà xe nói.

Giữa trưa, tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), phóng viên Báo SGGP ghi nhận có nhiều công dân Việt Nam từ Lào và Thái Lan về nước chờ lực lượng chức năng tiến hành các bước phân loại... Ông Trần Nhật Quang, cán bộ Tổ kiểm dịch y tế, cho biết, chỉ trong một buổi sáng, tổ đã tiếp nhận 68 công dân Hà Tĩnh và 69 công dân Nghệ An từ Thái Lan, Lào về qua cửa khẩu để bàn giao cho các lực lượng chức năng đưa đến các địa điểm cách ly y tế tập trung. Tổ đã phải tăng cường thêm 9 người từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh. “Cường độ làm việc của các lực lượng chức năng ở khu vực cửa khẩu này càng cao, thậm chí có nhiều ngày phải làm việc suốt 24/24 giờ”, ông Quang nói.

Ghi nhận của phóng viên tại cửa khẩu Long Bình (thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang), hiện lượng người Việt ở Campuchia trở về đã giảm. Số người Việt trở về nước thông qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh tính đến cuối tuần qua là 1.189 người, đã được đưa đi cách ly tập trung tại 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới. Ông Lâm Quang Thi, Bí thư Thành ủy Châu Đốc, cho biết, nhằm giảm tải số lượt người cách ly tập trung, đồng thời tạo sự an tâm trong cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP Châu Đốc đã bố trí 2 điểm cách ly tập trung (Trường THPT dân tộc nội trú, phường Châu Phú B và Trường Mẫu giáo Vĩnh Ngươn, phường Vĩnh Ngươn), với quy mô 300 người.

Bắc Tây Nguyên có 2 cửa khẩu lớn là cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) và cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Ghi nhận tại cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, người qua lại không đông đúc như thời điểm trước khi có dịch. Cách trụ sở cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh khoảng 400m, lực lượng chức năng đã ứng trực 2 bên để kiểm soát người ra vào. Người dân ra vào đều phải dừng lại khai báo mục đích và được cán bộ có trách nhiệm thẩm định rất kỹ càng. Từ đây đi vào hướng cửa khẩu, phía bên trái là nơi khử trùng phương tiện, xe cộ; bên phải là nơi trung chuyển đưa người dân về khu cách ly tập trung ở TP Pleiku (tỉnh Gia Lai).

Tại khu vực khử trùng, một nhóm cán bộ đang túc trực để làm nhiệm vụ. Các xe qua vị trí này đều dừng lại. Vào gần trưa, một xe chở hàng loại nhỏ đi qua đây phải dừng lại, nam tài xế mở cửa bước xuống xe. Lập tức, một nhân viên mặc trang phục bảo hộ đeo bình đến phun hóa chất vào cabin. Sau đó, tài xế lên xe và di chuyển thêm một đoạn khoảng 10m thì tiếp tục cho xe lăn bánh qua khu vực chốt khử trùng toàn bộ xe. Tương tự, một số xe chở hàng tiếp theo cũng được phun khử trùng với các thao tác như trên.

Trong một diễn biến khác, từ 0 giờ ngày 22-3, tỉnh Long An đã thực hiện tạm dừng nhập cảnh đối với  người nước ngoài vào Việt Nam và tạm dừng nhập cảnh vì lý do dịch bệnh đối với tất cả các trường hợp mang giấy miễn thị thực được cấp cho người gốc Việt Nam và thân nhân; thực hiện cách ly tập trung đối với mọi trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam. Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần đã giao Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Sở Y tế và các lực lượng chức năng kiểm soát chặt tình hình xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia, đường mòn, lối mở giữa tỉnh Long An với 2 tỉnh Svay Rieng và Prey Veng của Campuchia. Kiên quyết ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép; giao Sở Y tế hướng dẫn các lực lượng chức năng tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch y tế, khai báo y tế, cách ly y tế, giám sát chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch theo quy định. Thượng úy Đỗ Minh Sử, Trưởng trạm Kiểm soát biên phòng Tân Hưng (thuộc Đồn biên phòng Sông Trăng), cho biết, sau khi có “lệnh phong tỏa”, vài ngày đầu vẫn còn một số người không biết qua lại, nhưng qua tuyên truyền họ đã hiểu và chấp hành tốt lệnh đóng cửa. Mấy ngày nay không có người dân từ Campuchia về Việt Nam qua trạm này.

Gặp chúng tôi sau khi thực hiện các thủ tục theo hướng dẫn của lực lượng chức năng tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị), anh Nguyễn An (trú Nghệ An) là tài xế xe tuyến Nghệ An - Lào, chia sẻ: “Đã nắm bắt được thông tin là sẽ cách ly y tế 14 ngày nên dọc đường từ Lào về Việt Nam, nhà xe không nhận chở thêm khách và hàng hóa. Mọi người đều nghiêm chỉnh thực hiện các bước theo quy định để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cùng chung tay phòng chống dịch. Hàng ngàn người và phương tiện ùn ứ tại cửa khẩu nhưng cơ quan chức năng vẫn quan tâm chu đáo, hỗ trợ cơm nước nên ai cũng thấy thoải mái, vui vẻ. Xe về tới cửa khẩu trống khách nên chúng tôi đã tình nguyện hỗ trợ cơ quan chức năng đưa mọi người về khu cách ly y tế”. 

Theo Trung tá Nguyễn Văn Nam, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường), từ khi có lệnh đóng cửa đến nay chỉ có 12 người Việt Nam về nước qua cửa khẩu này; tất cả đều đang được cách ly theo quy định. Duy chỉ có cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ) là có lượng người Việt từ Campuchia về Việt Nam đông nhất, với hơn 200 người; những người này đều được đưa đi cách ly đúng theo quy định.

Đảm bảo bình yên, an toàn nơi biên giới

Theo ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, những ngày tới, số lượng người nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay dự kiến còn rất lớn. Vì vậy, địa phương sẽ mở rộng các cơ sở cách ly, đảm bảo phương tiện, vật tư phòng chống dịch tại cửa khẩu. Các lực lượng chức năng cũng huy động tối đa nhân lực, vật lực trực tiếp có mặt tại các cửa khẩu, vùng biên giới để kiểm tra chặt chẽ tình hình người dân qua lại.

Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho hay, trước tình huống quá tải, nhằm giảm áp lực cho các khu cách ly, địa phương đã lên phương án mở rộng, chuyển hướng các khu cách ly rải ra trên nhiều địa bàn. Sau khi khảo sát, Nghệ An quyết định mở rộng thêm một số khu cách ly dọc theo quốc lộ 7, gồm: Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Kỳ Sơn với quy mô 300 người, Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Tương Dương với quy mô 280 người, Vườn quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông) với quy mô 220 người. Những cơ sở này sẽ đón người về qua cửa khẩu Nậm Cắn. Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo mở rộng các cơ sở cách ly tuyến huyện tại các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện, phòng khám đa khoa… Một số khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn TP Vinh, thị xã Cửa Lò cũng được lên phương án trưng dụng để làm khu cách ly.

Trong cuộc họp triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương yêu cầu Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cùng chính quyền địa phương biên giới… tăng cường phối hợp nhằm siết chặt việc quản lý, kiểm soát người dân qua lại khu vực biên giới; có phương án dự phòng trường hợp người gốc Việt từ Campuchia về nhiều, qua biên giới của tỉnh Đồng Tháp. Lãnh đạo tỉnh liên tục kiểm tra công tác phòng chống dịch ở các xã thuộc khu vực biên giới của tỉnh; động viên cán bộ, chiến sĩ nỗ lực phòng chống dịch, đảm bảo bình yên, an toàn nơi biên giới. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, trên địa bàn huyện biên giới An Phú, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ công tác điều trị trong tình huống có dịch xảy ra và xây dựng phương án cụ thể ứng phó với tình huống dịch lây lan qua biên giới, không để bị động, lúng túng. Tại thị xã Tân Châu có cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, đoạn biên giới dài khoảng 6,2km, địa bàn có nhiều đường dân sinh tự phát, người dân đi lại trao đổi hàng hóa, sản xuất nông nghiệp khá đông, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Vĩnh Xương tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu 24/24 giờ; sẵn sàng đối phó trong mọi tình huống.

Tin cùng chuyên mục