Và điều đáng mừng là người trong cuộc đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho sáp nhập, giải thể.
Bình Phước và Bình Dương là 2 tỉnh có những bước đi mạnh mẽ trong việc tinh gọn bộ máy, theo đó báo và đài tỉnh được gộp chung lại. Mới đây, khi được hỏi về chuyện sáp nhập giữa Báo Bình Phước với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bỉnh Phước, nhà báo Đoàn Như Viên (Tổng Biên tập Báo Bình Phước), nói: “Đối với báo thì nhẹ nhàng, chỉ có khoảng 40 người, mọi thứ đã sẵn sàng, khi nào có lệnh của tỉnh thì dọn về bên đài và trả lại nhà đất cho Tỉnh ủy thôi; bên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Phước thì đông hơn, khoảng 170 người gì đó, nhưng chắc cũng không có vấn đề gì. Và người vinh dự được chọn lãnh đạo cao nhất của 2 cơ quan truyền thông này sau khi sáp nhập lại cũng đã được Tỉnh ủy dự kiến là lãnh đạo Ban Tuyên giáo sang và hầu như anh em của 2 cơ quan cũng không có ý kiến phản đối gì. Nhiều khả năng, việc sáp nhập sẽ diễn ra trước Tết Nguyên đán 2018”.
Cũng liên quan đến việc sáp nhập, tinh giản bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18, ngày 4-9-2018, UBND tỉnh Bình Phước đã có thông báo về kế hoạch cắt giảm định suất lao động đối với các hội đặc thù nghề nghiệp như Hội Nhà báo, Hội Người mù… Theo đó, năm 2018 giữ nguyên định suất lao động hiện có, nhưng sang năm 2019, các hội đặc thù trên địa bàn của tỉnh, huyện phải giảm 50% định suất và đến năm 2020 thì giảm 50% còn lại. Các hội sẽ được khoán kinh phí hoạt động theo quy định hiện hành và sẽ phải đảm bảo hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện và tự trang trải kinh phí. Như vậy, nhiều khả năng một số hội không tự trang trải được kinh phí có thể sẽ phải giải tán.
Tưởng rằng người trong cuộc, trong đó có Hội Nhà báo tỉnh sẽ không đồng thuận hay thậm chí bị “sốc”, nhưng qua trao đổi với một cán bộ chủ chốt của Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước, chúng tôi nhận được câu trả lời là đồng thuận. Thậm chí người này còn cho biết, đã xin nghỉ hưu trước tuổi từ cách đây 2 năm nhưng trên chưa cho và giờ hy vọng là mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Vị cán bộ hội còn tâm tình: Cũng nên giải tán bớt hội đặc thù mang tính nghề nghiệp vì hiện đông quá, hoạt động lại không hiệu quả và tốn ngân sách.
Được biết, Tỉnh ủy Bình Phước đã có Quyết định 999 (ngày 10-4-2018) về ban hành Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW (ngày 25-10-2017) của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và đến nay đã có những chuyển biến tích cực, đồng bộ từ các ngành, các địa phương, đơn vị. Tỉnh đã chọn ra 6 đơn vị thực hiện điểm, gồm: huyện Lộc Ninh, Phú Riềng, Thị ủy Phước Long, Sở NN-PTNT, Y tế và văn phòng Tỉnh ủy. Đã hình thành văn phòng cấp ủy chung (từ ngày 1-6-2018), điều phối hoạt động chung cho cả Văn phòng Tỉnh ủy và các ban đảng giúp tinh gọn đáng kể con người lẫn phương tiện phục vụ, giảm lãng phí cho ngân sách và tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan tham mưu giúp việc.
Vẫn biết, việc sáp nhập đương nhiên là không thể vừa lòng hết mọi người, nhất là với một số cán bộ bỗng dưng xuống chức hay vì sáp nhập mà mất cơ hội thăng chức khi đã được quy hoạch, nhưng nhờ triển khai tốt tinh thần, nội dung nghị quyết đã giúp tạo tâm thế sẵn sàng cho cán bộ, công chức và người lao động.