Sản xuất xanh để tăng sức cạnh tranh

Theo các chuyên gia môi trường, việc phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, trong đó chú trọng giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế các nguyên vật liệu và rác thải (3R) được đánh giá là giải pháp có thể giúp các nước thích nghi và tiến bước theo cách thân thiện với môi trường. Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn chính là công thức tăng trưởng bền vững mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.

Mô hình 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) là quá trình chất thải hoặc vật liệu không cần thiết (phế liệu) được tái chế thành vật liệu mới với khả năng ứng dụng đem lại lợi ích cho con người. 3R có nhiều hiệu quả trong việc giảm sử dụng nguồn nguyên liệu, giảm tiêu tốn năng lượng, phát thải khí độc ra môi trường và cuối cùng giúp giảm đáng kể việc ô nhiễm nước rỉ rác từ việc chôn lấp chất thải. 

Đối với DN, mô hình trên không chỉ giảm chi phí cho sản xuất mà còn nâng cao hơn giá trị cạnh tranh sản phẩm. Chia sẻ về lĩnh vực này, đại diện Công ty cổ phần Thực phẩm đông lạnh KIDO cho biết, công ty duy trì và cải tiến liên tục việc tiết kiệm tài nguyên và kiểm soát nguyên liệu đầu vào trong hoạt động sản xuất. Công ty đã áp dụng sản xuất sạch hơn và đã giảm được 14% sản lượng điện năng, 13% lượng dầu cần tiêu thụ so với trước đây. Nước thải từ hoạt động sản xuất cũng được tái sử dụng để tưới cây, rửa xe...

Tương tự, đại diện Công ty cổ phần Nhựa Duy Tân cũng đã xây dựng thành công hệ thống quản lý an toàn - hợp lý - chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn toàn cầu của Anh cho các sản phẩm được sản xuất. Nghiên cứu, áp dụng các biện pháp giảm tiêu hao sử dụng điện, áp dụng sản xuất sạch hơn, cam kết sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng các nguồn nguyên vật liệu. Nhờ vậy mà sản phẩm của công ty ngày càng có chỗ đứng vững chắc, vươn ra thị trường xuất khẩu. 

Bà Marie Lan Nguyen, chuyên gia môi trường (Pháp), nhìn nhận người Việt Nam đã quen phân loại rác. Rất nhiều người làm nghề thu mua ve chai, những người này đến từng hộ gia đình, ngõ xóm để thu mua phế liệu, sản phẩm thải bỏ rồi đem phân loại bán cho cơ sở tái chế. Hoặc một số công ty cũng có chính sách thu hồi các phế phẩm của mình rồi thông qua các đại lý để tái sử dụng, tái chế cho các vòng đời sản xuất sản phẩm tiếp theo... Có thể nói đây chính là những hình thức của nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, “nền kinh tế phi chất thải”.  

Để hỗ trợ các DN sản xuất thực hiện việc chuyển đổi sản xuất, kinh doanh theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững với các nội dung nhằm hỗ trợ cơ sở sản xuất, DN áp dụng các mô hình quản lý, kinh doanh sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên. Đồng thời, tăng cường nhận thức cho cộng đồng, người dân thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và trách nhiệm hơn vì sự phát triển bền vững của chính cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục