Sẽ triển khai 2 khu phố hàng rong khi UBND TPHCM chấp thuận

Báo SGGP ngày 21-9 đăng bài Còn nhiều phố hàng rong lỡ hẹn, nêu thực trạng nhiều vị trí được UBND quận 1 dự định tổ chức phố hàng rong để sắp xếp cho các hộ bán hàng rong buôn bán, nhằm chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường.
Khách tham quan, mua hàng tại phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm (quận 1, TPHCM)
Khách tham quan, mua hàng tại phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm (quận 1, TPHCM)

UBND quận 1 đã có phản hồi như sau:

 Phố hàng rong là giải pháp tạm thời để tổ chức sắp xếp cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đang kinh doanh trên vỉa hè thuộc phường Bến Nghé vào khu vực thí điểm để quản lý, hỗ trợ trong thời gian chưa chuyển đổi được ngành nghề phù hợp.

Theo đánh giá của UBND quận 1 về 2 khu vực thí điểm phố hàng rong tại vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp thì cơ bản giải quyết được 70 trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo có nơi kinh doanh ổn định; đồng thời kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng nếp văn minh trong kinh doanh và hình ảnh đẹp đối với khách du lịch; kiểm soát việc xả nước thải; đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông.

Tuy nhiên, số lượng giải quyết được còn thấp so với thực tế, riêng phường Bến Nghé hiện có 224 trường hợp đang chiếm dụng vỉa hè để buôn bán, trong khi mới giải quyết được 70 trường hợp vào phố hàng rong. Việc bố trí tập trung vào một khu vực tuy thuận lợi cho cơ quan quản lý nhưng chưa thuận lợi cho một số hộ gia đình có hoàn cảnh neo đơn, do khoảng cách phải di chuyển xa.

Năm 2017, UBND quận 1 cũng dự kiến mở rộng mô hình phố hàng rong ở một vài vị trí như trên vỉa hè đường Nguyễn Thái Học (vách Trường THPT Ernst Thalmann, phường Phạm Ngũ Lão) và vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai, Huyền Trân Công Chúa (phường Bến Thành). Do việc tổ chức bố trí kinh doanh trên vỉa hè phải được sự chấp thuận của UBND TPHCM, UBND quận 1 đã có văn bản đề xuất UBND TPHCM chấp thuận cho quận 1 tiếp tục thí điểm thêm 2 vị trí trên trong năm 2018, nhưng đến nay UBND quận 1 chưa nhận được ý kiến của UBND TPHCM, nên chưa có cơ sở để triển khai thực hiện.

Ngay khi được sự chấp thuận của UBND TPHCM, quận 1 sẽ triển khai thí điểm tiếp 2 vị trí trên. Đối tượng được bố trí kinh doanh tại phố hàng rong là các hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn, hiện đang chiếm dụng vỉa hè trên địa bàn quận 1 để buôn bán. Ưu tiên bố trí hộ có hộ khẩu thường trú trên địa bàn phường, sau đó xét tới các hộ thuộc phường khác của quận 1. 

Tin cùng chuyên mục