Những người làm điện ảnh với chiến thắng 30-4-1975

Những người làm điện ảnh với chiến thắng 30-4-1975

Xin được kể lại câu chuyện được nghe từ những nghệ sĩ là chứng nhân của chiến thắng lịch sử cách đây 30 năm. Có người từng hóa thân vào những nhân vật anh hùng trong cuộc chiến, có người xông pha nơi đạn lửa để ghi lại những hình ảnh thời khắc lịch sử hào hùng của cả dân tộc… Họ đã khiến những bạn trẻ đến với chương trình “Điện ảnh với chiến thắng 30-4-1975” tại NVH Điện ảnh sáng chủ nhật 24-4-2005 lặng đi vì xúc động…

  • Câu chuyện của NSND Trà Giang
Những người làm điện ảnh với chiến thắng 30-4-1975 ảnh 1

Các nghệ sĩ điện ảnh lão thành trong buổi giao lưu.

Kỷ niệm của chuyến đi thâm nhập thực tế để thể hiện vai Diệu trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” làm tôi nhớ mãi. Nơi đoàn chúng tôi đến là huyện Gio Linh, khu vực vòng ngoài giới tuyến, nơi giao tranh ác liệt. Tôi được tiếp xúc với O Thảo – một bí thư chi bộ, chủ tịch xã. Cha của O là liệt sĩ, bản thân O vừa chứng kiến cảnh anh trai hy sinh trong một trận càn. O chiến đấu rất dũng cảm, gan dạ, chính O đã làm nên nhân vật Diệu trong tôi…

Trong thâm tâm, tôi luôn mong hòa bình sẽ tìm về thăm O. Đầu năm 1999, tôi và đạo diễn Hải Ninh quyết định thực hiện lời hứa tìm về quê hương O Thảo. Chúng tôi chỉ có trong tay tấm hình của O, nên vừa đi vừa hỏi, rất khó khăn mới tìm được địa chỉ của O thì nhận được tin O đã hy sinh sau khi gặp chúng tôi chỉ có một năm.

Bộ phim được mang đi chiếu ở nhiều nước như Liên Xô, Ý, Thụy Điển, ở đâu chúng tôi cũng nhận được sự thán phục của bạn bè quốc tế. Bạn ngạc nhiên vì điện ảnh Việt Nam lại có thể làm được một bộ phim hùng tráng như vậy. Chúng tôi trả lời đơn giản chỉ bằng tình yêu nghề nghiệp, niềm khao khát hòa bình và tình yêu cuộc sống…

  • Câu chuyện của nhà biên kịch Nguyễn Trí Việt

Người đóng vai cô Nhíp trong phim không hề là một diễn viên, cô cũng chính là nhân vật thực ở ngoài đời, nữ chiến sĩ Nguyễn Trung Kiên. Lúc ấy, báo chí Sài Gòn đăng tải về cô rất nhiều – người đã dẫn xe tăng vào giải phóng Sài Gòn. Tôi còn giữ tờ báo Sài Gòn Giải Phóng số ra đầu tiên.

Trên trang nhất của báo đăng tấm hình Nguyễn Trung Kiên rất đẹp, đó là hình ảnh một nữ chiến sĩ với nụ cười rạng rỡ bên chiếc xe tăng. Chú thích tấm ảnh ghi “Nguyễn Trung Kiên, nữ biệt động 18 tuổi hướng dẫn xe tăng quân Giải Phóng chiếm sân bay Tân Sơn Nhất”. Đó là một trong những nguyên nhân khiến tôi quyết định chọn cô để viết kịch bản “Cô Nhíp”.

  • Câu chuyện của đạo diễn Lê Dũng

Tôi may mắn được chọn vào tổ của anh Mai Lộc với nhiệm vụ quay những sự kiện quan trọng nhất vì tôi là dân Sài Gòn khá rành đường, có thể dẫn đường cho anh em. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh cả một đoạn đường Quang Trung nơi trường quân sự của lính cộng hòa đóng chốt, tràn ngập đồ lính, giày dép, quần áo. Tôi đã quay được những hình ảnh này và bộ phim tài liệu “Mùa xuân đại thắng” đã ghi lại toàn bộ những giờ khắc lịch sử của quân và dân miền Nam trong ngày 30-4 lịch sử.

Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều những câu chuyện do những nhà điện ảnh lão thành, những người đã gắn bó với điện ảnh cách mạng hào hùng của dân tộc ta. Rất tiếc là thời gian quá ngắn và khán giả trẻ chưa kịp nghe câu chuyện của NSND Trương Qua, NSƯT Trần Nhu, đạo diễn An Sơn, NS Nguyễn Quế… - những người cùng có mặt trong chương trình. Mọi người xúc động hồi tưởng lại những ngày tháng hào hùng với những bộ phim “Du kích Củ Chi”, “Đường ra phía trước”, “Hạt lúa vành đai”, “Nữ pháo binh Long An”… 

HÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục