Mấy ngày nay, báo chí dẫn lời ông Tanaka Koji – Trưởng BTC giải là bệnh của V-League không gì khác nạn bạo lực sân cỏ, khả năng chơi bóng của cầu thủ thấp, thích rườm rà, ham rê dắt, và tinh thần chuyên nghiệp dở tệ… nhưng hỏi thuốc để chữa bệnh thì chưa thấy. Từ đó người hâm mộ nghĩ đến số phận ông Tanaka cũng như vận mệnh của VPF.
Ở mùa bóng năm ngoái, sau trận đấu trên sân Thanh Hóa, lần đầu tiên trong lịch sử ông Trưởng BTC bị kỷ luật bởi sự cố tiền hậu bất nhất trong phát ngôn về tình huống bóng trong sân hay ngoài sân. Do vậy, ngay sau đó phía VFF đã có động tác nắn gân ông Trưởng giải cũng như dằn mặt VPF. Thành thử ra, đến cuối mùa bóng 2013 ông Trưởng giải đành phải ngậm ngùi ra đi, dù lỗi không hoàn toàn nằm ở cựu Phó chủ tịch VFF này. Việc làm của VFF được dư luận suy nghĩ là qua những lùm xùm trên như cách họ muốn mình giành lại quyền điều hành các giải đấu.
Dài dòng một chút để thấy, từ khi VPF ra đời đến nay chỉ trừ năm đầu tiên tổ chức này còn có ông bầu rắn mặt đứng trụ thì không ai dám nhúng tay vào. Thế mà sau khi ông ra đi thì coi như cái thế của họ bị quay ngoắt theo hướng khác. Nguyên nhân được đưa ra do những ông bầu còn lại lo chuyện làm ăn ngoài xã hội, cũng như nhiều ông phó chủ tịch HĐQT của VPF không ưa gì ông bầu sa cơ thất thế vừa nói.
Quyết định kỷ luật ông Ly được cho là động tác đầu tiên để VFF giành lại thế trận đã mất trước đó bởi các ông bầu “nổi dậy” trong ngày tổng kết giải.
Nay thì VPF đang tiếp tục lẩn quẩn với những vị Trưởng giải của mình, hết nội sang ngoại nhưng các chứng bệnh của V-League ngày một nặng và sẽ di căn. Và trong bối cảnh bóng đá nội như mớ bòng bong hiện nay, một mình ông Tanaka cũng khó lòng xoay trở.
Nói như vậy, khi quyền và lực của VPF vốn đã xuống từ năm ngoái cộng thêm nếu ông Tanaka cũng bất lực với cái xấu xí của V-League thì không lẽ đã đến lúc đếm ngược ngày lên đường của VPF hay sao?
KIM DUNG