Sóc Trăng thăng hoa với nông nghiệp hữu cơ

Với việc từng bước chuyển đổi từ tư duy “phát triển sản xuất nông nghiệp” sang “phát triển kinh tế nông nghiệp”, lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đang mang về giá trị xuất khẩu “tỷ đô” và đóng góp 44,7% vào GRDP toàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

Con tôm, cây lúa mang về “tỷ đô”

Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng chỉ riêng con tôm, hạt gạo xuất khẩu đã mang về hơn 1,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 1,03 tỷ USD (tăng 22,91% so với cùng kỳ) và xuất khẩu gạo đạt hơn 213 triệu USD. 

Kết quả này có được từ sự chuyển đổi, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp một cách toàn diện suốt thời gian qua. Nông nghiệp của tỉnh đang phát triển bền vững theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất. Đối với cây lúa, nông dân Sóc Trăng gần như đã bỏ thói quen canh tác những giống lúa chất lượng thấp mà thay vào đó là các giống lúa đặc sản, chất lượng cao.

Tính đến năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 322.000ha trồng lúa, trong đó có đến gần 79% (tương đương 253.700ha) là diện tích sản xuất lúa đặc sản, lúa chất lượng cao. Song song đó, tỉnh tập trung sản xuất các giống lúa cao sản, với thành quả là các tên tuổi như ST24 “tốp 3 gạo ngon nhất thế giới” năm 2017, ST25 “gạo ngon nhất thế giới” năm 2019…

Ở lĩnh vực thủy sản, nuôi tôm nước lợ đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại tỉnh Sóc Trăng. Nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả được phát huy, nhân rộng như: mô hình tôm - lúa, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh - công nghệ cao… với hơn 1.700ha. Đáng chú ý, đến nay các nhà chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện đã đạt công suất khoảng 250 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang thị trường của 35 quốc gia, vùng lãnh thổ như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc… 

Sóc Trăng thăng hoa với nông nghiệp hữu cơ ảnh 1 Sản phẩm gạo đặc sản ST25 nổi tiếng của Sóc Trăng. Ảnh: TUẤN QUANG

Bên cạnh cây lúa và con tôm, tỉnh Sóc Trăng còn phát triển được 28.500ha diện tích cây ăn trái. Trong đó, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gần 435ha, hiện có 497ha cây ăn trái được cấp 75 mã số vùng trồng, sản lượng xuất khẩu năm 2021 đạt hơn 214 tấn... Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học và đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hiệu quả sử dụng đất được nâng lên khá rõ. Cụ thể, giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên 1ha đất nông nghiệp của tỉnh hiện đạt 213 triệu đồng, tăng 157 triệu đồng so với năm 2008. 

Hướng đi bền vững

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, nông nghiệp cả nước nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng đang đối mặt 2 thách thức vô cùng to lớn. Đó là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và biến đổi khí hậu.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã phân tích, biến đổi khí hậu đang gây ra rất nhiều hậu quả và đẩy chúng ta vào tình thế phải triển khai nhanh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phương pháp canh tác sao cho thích hợp với hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng… Mặt khác, thực phẩm không an toàn đang mang đến nhiều hệ lụy trầm trọng, vì đây là nguyên nhân phá hủy môi trường, tác động lâu dài đến sức khỏe con người, gây ra gánh nặng cho xã hội.

Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm gần 83% diện tích đất tự nhiên. Trong đó, điểm hạn chế là phần lớn nông sản vẫn được sản xuất theo kinh nghiệm, tập quán và chưa đổi mới tư duy, chưa có nhiều các mô hình sản xuất hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP… Do đó, môi trường sống và sản xuất nông nghiệp ngày càng bị ô nhiễm bởi phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… 

Để tạo bước phát triển mới trong nông nghiệp, mới đây, vào tháng 5-2022, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã thông qua Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, đề án tập trung vào 3 nhóm đối tượng chính là cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Mục tiêu của đề án đưa ra khá cụ thể. Trong đó, 100% đối tượng thực hiện đề án sẽ am hiểu về tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và có khả năng tự sản xuất hữu cơ; 100% sản phẩm được chứng nhận hữu cơ được quảng bá, bao tiêu; diện tích đất sản xuất hữu cơ đạt khoảng trên 210ha.

Đề án cũng đặt mục tiêu giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt hữu cơ cao gấp 1,2-1,4 lần so với sản xuất phi hữu cơ. Đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu có chứng nhận đạt tiêu chuẩn trong nước hoặc quốc tế. “Với đề án này, tỉnh đang hướng đến mục tiêu dần thay đổi tư duy, tổ chức lại sản xuất, chuyển giao các ứng dụng khoa học và công nghệ, hỗ trợ kết nối giữa nhà nông - doanh nghiệp trong việc tiêu thụ nông sản hữu cơ”, ông Huỳnh Ngọc Nhã chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục