Ông Tira Vanichtheeranont, nhà sưu tầm nghệ thuật người Thái Lan, sau khi xem một bức tranh sơn mài của một họa sĩ đương đại Việt Nam, dù rất thích lối vẽ, đề tài và giá khá mềm (5.000 USD), nhưng đã từ chối mua chỉ vì họa sĩ đó vẽ bằng sơn điều, sơn Nhật Bản chứ không phải sơn ta.
Cũng giống ông Tira, rất nhiều nhà sưu tầm không mua tranh sơn mài mới của Việt Nam vì lý do này. Dùng sơn công nghiệp, “sơn mà không mài” đang làm tranh sơn mài Việt Nam mất giá.
Tiện thì mất nghệ
Triển lãm “Chuyện sơn mài Việt Nam” đang diễn ra ở khu phố cổ Hà Nội mang đến cho công chúng những góc nhìn thú vị. Có ba không gian văn hóa là đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc), Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ), Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây).
Theo họa sĩ Vũ Tuấn Dũng, thành viên nhóm họa sĩ Sơn ta (đơn vị tham gia phối hợp tổ chức triển lãm), qua triển lãm, họ muốn kể một câu chuyện về chất liệu sơn ta đã làm nên nghệ thuật sơn mài độc đáo của nước ta. Thực tế, người xem càng thú vị với chất liệu và nghệ thuật sơn mài truyền thống bao nhiêu, càng buồn bã với thực trạng tranh sơn mài Việt Nam hiện đại bấy nhiêu.
Cây sơn mọc ở vùng đất Phú Thọ là giống sơn đỏ thuộc loại sơn quý nhất châu Á. Nghề sơn Việt Nam có phương thức chế tác riêng biệt và kỹ thuật độc đáo. Thợ sơn luôn dùng những chất liệu quý như vàng, bạc, son, bột ngà, nhưng lại chôn vùi dưới những lớp nhựa sơn màu rồi mài bóng đi để màu nét và cảm giác được sự tỏa sáng từ bên trong.
Ấy thế nhưng, từ hàng chục năm nay, đa phần họa sĩ Việt Nam gần như không dùng sơn ta để vẽ tranh sơn mài mà phần lớn dùng sơn điều, sơn công nghiệp (Nhật Bản). Họ lý giải chuyện này là do sơn Nhật mau khô, màu lại tươi, khiến nhiều người đổ xô sử dụng.
Họa sĩ Nguyễn Đình Bảng, Trưởng khoa Mỹ thuật thủ công mỹ nghệ ứng dụng của Trường Trung cấp tổng hợp Hà Nội, buồn bã cho biết rằng có rất nhiều học sinh đến khoa ông học nghề sơn mài. Dù được đào tạo bài bản trên chất liệu sơn ta thế nhưng gần như không mấy người khi làm nghề sử dụng sơn ta để tạo thành sản phẩm. Từ nhựa cây sơn, phải đánh đến 18 giờ mới thành sơn chín, lại còn hàng loạt công đoạn công phu khác nên giá thành có khi gấp cả chục lần so với sơn điều, sơn Nhật Bản. Vừa đắt, vừa mất công, thế nên sơn ta không còn được người sáng tạo mặn mà.
Chị Nguyễn Thị Minh Hương, khu 7, xã Thọ Văn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ chuyên cung cấp sơn ta cho nhóm họa sĩ Sơn ta ở thành phố Hà Nội, cho biết chỉ có mấy họa sĩ Sơn ta Hà Nội thi thoảng mua sơn của chị, còn lại thương lái Trung Quốc mua hết. Nhưng giá cả rất bấp bênh.
Họa sĩ Phạm Huy Hùng gay gắt: “Ngày nay, nhiều họa sĩ vẽ tranh sơn mài, nhưng kỳ thực có sơn mà không có mài. Hay đúng hơn, họ chỉ cố vờn cho được hiệu quả nổi khối từng đối tượng thị giác trong tranh. Vẽ đến đâu thấy hiệu quả đến đó, giống như kỹ thuật vẽ sơn dầu, sau đó mài lướt qua lấy phẳng. Chiều sâu mà bức tranh có được là chiều sâu do hiệu quả sử dụng những quy tắc không gian, còn chiều sâu do hiệu quả phối trợ của các lớp màu trong không gian thực không còn nữa, cách vẽ này nói chính xác là sơn chứ không mài. Có thể nói, nó phản ánh rất rõ sự hời hợt về chất liệu, sự non yếu chuyên môn và thậm chí cả sự yếu kém về văn hóa của họa sĩ”.
Nghệ thuật của cái chậm
Trong khi các họa sĩ Việt Nam chạy theo sự tiện dụng của sơn Nhật thì có một người Nhật lại quyết định sang sống ở Việt Nam để trọn đời khám phá vẻ đẹp của sơn ta, của sơn mài Việt Nam.
Năm 1996, lang thang trên các khu phố cổ của Hà Nội, chị Saeko Ando ngỡ ngàng khi biết Việt Nam cũng có sơn mài. Chị Saeko kể: “Ngắm một bức tranh sơn mài Việt Nam, ta có thể nhìn thấu các lớp tinh khiết của rất nhiều chất liệu khác nhau ẩn bên trong. Người Nhật Bản cũng có nghệ thuật sơn mài nhưng chủ yếu để phục vụ làm hàng thủ công mỹ nghệ chứ để vẽ thành tranh thì không bao nhiêu. Sang Việt Nam, tôi tò mò đi tìm mua sơn rồi về mày mò làm sơn mài thì thấy sao nó tồi thế. Tôi băn khoăn và bắt đầu muốn tìm hiểu. Thế là tôi quyết định nghỉ việc ở hãng hàng không để có một cuộc sống bay nhảy của một họa sĩ”.
Năm 1996, chị gặp họa sĩ Trịnh Tuân, anh cho xem một bức tranh của anh, chị mải mê ngắm và bị nó chinh phục. Chị xin học và được họa sĩ Trịnh Tuân chỉ bảo trong một năm. Năm 1998, cha một người bạn là họa sĩ, ông giới thiệu chị đến học cách làm sơn mài tại xưởng của họa sĩ Doãn Trí Trung ở Cầu Giấy. Ở đây, những người thợ vừa làm sơn, vừa làm vóc bán cho các họa sĩ vẽ tranh. Học một năm, chị đã biết cách làm sơn từ A đến Z. Chị bắt đầu say mê công việc này và bỏ ra quãng thời gian khá dài đi theo những nhóm họa sĩ lên xã Dị Nậu, huyện Tam Thanh (nay là huyện Tam Nông), tỉnh Phú Thọ để tìm hiểu về cách lấy sơn sống của họ.
Suốt khoảng thời gian 5 năm đó, sáng chị lang thang khắp nơi để học nghề sơn mài; tối tối lại về chong đèn ngồi học tiếng Việt. Cuối cùng, niềm say mê ấy cũng được đền đáp, chị học được toàn bộ quy trình làm tranh sơn mài Việt Nam.
Lớp dạy sơn mài của họa sĩ Saeko Ando. Ảnh: TUẤN HOÀNG
Chị Saeko nhận xét: “Tôi đã hiểu đặc tính của hai loại sơn có ở Việt Nam là sơn ta và sơn công nghiệp. Sơn công nghiệp, khi mới vẽ thì tranh bóng, đẹp nhưng để lâu lại bị bay màu, thậm chí bong tróc từng mảng. Với sơn ta, màu không sặc sỡ nhưng có độ sâu, đậm hơn, sau khi vẽ sờ tay lên mà không dính, đặc biệt là càng để lâu, lớp sơn càng chắc hơn, trong và sáng lên”.
Và từ đó, Saeko không ngừng say mê khám phá nghề sơn ta, sáng tác tranh sơn mài và mở lớp dạy làm tranh sơn mài ở Hà Nội, Hội An (tỉnh Quảng Nam) để tạ ơn sơn mài Việt.
Họa sĩ Doãn Trí Trung làm sơn mài từ 38 năm nay, không ngày nào tay anh không đụng vào sơn. Say mê cây sơn ta Phú Thọ, anh nghiên cứu nó từ khi những người dân đi vét từng giọt nhựa sơn lúc tờ mờ sáng, tự tay dùng mỏ vầy đánh từng mẻ sơn sống trong thúng liên tục 18 giờ cho đến khi chín. Không kỹ thuật và đặc tính nào của sơn ta mà anh không tìm cách nắm bắt: sự khó tính thất thường phụ thuộc thời tiết của sơn, hay độ phẳng, độ bền, độ bóng của nó.
Anh say sưa nói về vẻ đẹp của chất liệu sơn ta: “Từ xa xưa cùng với nghề sơn, cha ông chúng ta đã gắn bó, gửi gắm vào các sản phẩm do mình tạo ra, biến chúng thành những đồ vật tồn tại lâu dài. Nếu ai đã có dịp chiêm ngưỡng nội thất của đình, chùa thì sẽ thấy hết được vẻ đẹp của chất liệu sơn truyền thống trong từng hiện vật, sẽ choáng ngợp trước những pho tượng, hương án, sập thờ, hoành phi, câu đối, cửa võng, chân đèn và kết cấu kiến trúc”.
Anh bày tỏ quan điểm của mình: “Bạn có thể làm sơn mài trên tre, nứa, gỗ, sắt, xi măng, gáo dừa, vỏ trứng tùy ý, nhưng đã gọi là sơn ta truyền thống là phải làm sơn từ nhựa cây sơn Phú Thọ và sơn phải được mài phẳng”.
Hiện nay, có nhiều họa sĩ gắn lên mặt vóc nào là xi măng, giấy dó, gốm, gỗ, vải và cả bu lông, ốc vít, bát đĩa... Cùng với xu thế phát triển của xã hội, sơn ta năng động trở mình là điều tất yếu. Tuy vậy không thể đi quá giới hạn.
| |
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG