Năm 2010, tôi được về dự đêm thơ Quê Mẹ của nhà thơ Tố Hữu tổ chức tại TP Huế - quê mẹ của ông và có dịp được về thăm quê ông, một làng nhỏ bên dòng sông Bồ trong xanh. Thật thú vị vì đây cũng chính là quê hương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Chính ủy Quân giải phóng miền Nam. “Nặng tình đồng chí lại đồng hương” - Đó là tình cảm của hai ông trên những bước đường cách mạng, trong cả lao tù của thực dân Pháp, lúc nào cũng thân thiết, gắn bó, nặng nghĩa, nặng tình.
Ôi phải chi anh được về quê ngoại
Hôn nỗi đau tan nát Phù Lai
Như quê bạn Niêm Phò trơ trụi
Đạn bom cày cả nương sắn, đồng khoai…
Tố Hữu đã viết như vậy sau 30 năm được trở lại quê nhà. Bên này sông chính là Phù Lai quê ông, Phù Lai cà. Còn Niêm Phò bên sông chính là quê người bạn thân của mình - Nguyễn Chí Thanh. Khi đứng bên sông Bồ, bất giác lòng tôi ngân lên câu thơ ấy của nhà thơ Tố Hữu và rồi cũng bất giác vọng lên câu thơ của chính mình hòa theo:
Sông Bồ có nghe chăng tiếng của người thi sĩ
30 năm được trở lại quê nhà
Người đã đi suốt cuộc đời không nghỉ
Những chiến trường gần, những chiến trường xa…
Cho dù xa rời thơ ca đã lâu, nhưng bên sông Bồ ngày ấy, như có nhà thơ Tố Hữu nhập hồn, những câu thơ lại bỗng ào ạt đến với tôi, như dòng sông bất ngờ có nước từ thượng nguồn đổ về và tôi hiểu đã bắt đầu thành hình một bài thơ:
Bên này sông có một người thi sĩ
Bên kia sông có một người chiến sĩ
Sông Bồ ơi bốn mùa nước xanh trong
Đất của thi nhân, đất của anh hùng…
Tôi không nghĩ bài thơ đến với mình nhanh gọn và ngọt ngào đến thế. Và đặc biệt nó giống những gì mà tôi hằng tâm niệm và phấn đấu cho thơ ca và cho cuộc sống của mình: giản dị và ân tình. Ngay đêm ấy, tôi đã e-mail bài thơ Tâm sự với sông Bồ và sau đó bài thơ này được đăng trên Báo SGGP.
Thêm một điều thú vị là, ngay sau khi bài thơ được in, một nữ nhạc sĩ từng là bông hoa mặc quân phục nhiều năm là chị Quỳnh Hợp đã phổ thành bài hát Tâm sự với sông Bồ, được Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM thu thanh với giọng ca của Nam Khánh và tốp nữ, rồi Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh với giọng ca của Sao Mai Hoàng Tùng và dàn hợp xướng, rồi lại được Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội dàn dựng biểu diễn… được đông đảo chiến sĩ và người nghe hoan nghênh.
Một thời gian sau, tôi có dịp sang Đức dự đám cưới của cháu Lê Thanh Ly, một thiếu nữ rất xinh đẹp, cháu gọi tôi là bác ruột và gọi nhà thơ Tố Hữu là ông ngoại. Tôi đã mang bài hát này làm quà cưới cho cháu, để các cháu hiểu nhiều hơn về quê hương và ông, bà của mình. Trong những đêm xa xôi ở Bochum, bài hát về một dòng sông của Việt Nam vang lên làm náo nức tâm hồn biết bao người, kể cả những người bạn Đức của cháu…
Cũng bài hát này, trong một buổi lễ kỷ niệm 93 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu ở làng quốc tế Thăng Long, Hà Nội đã vang lên và làm nhiều đồng chí, nhiều người bạn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhà thơ Tố Hữu xúc động. Chiếc CD của bài hát hôm ấy tôi đã mang tặng chị Nguyễn Thanh Hà, con gái đầu lòng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và tôi đã được nhận từ chị lời cảm ơn cho cả nhà thơ và tác giả âm nhạc rất chân tình
Họ đã đi suốt cuộc đời không nghỉ
Như dòng sông chảy mãi cùng tháng năm
Đôi bạn ấy cùng đi vào lịch sử
Người là Danh tướng, Người là Thi nhân…
Tôi thầm nghĩ, chính họ, vị đại tướng oai hùng và nhà chính trị - nhà thơ lỗi lạc ấy, đã làm nên bài thơ và khúc hát này, để rồi sẽ cùng họ mãi mãi đi vào lịch sử…
TRƯƠNG NGUYÊN VIỆT