Song hành cùng lịch sử dân tộc

Song hành cùng lịch sử dân tộc

Tranh sơn mài

Lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã đi qua gần một thế kỷ - một chặng đường không dài so với các nền mỹ thuật hiện đại trên thế giới, nhưng với những thành tựu nhất định đã đủ để xác lập một chỗ đứng riêng. Trong những thành tựu ấy, hội họa sơn mài và dòng tranh sơn khắc có vai trò quan trọng bậc nhất. Chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM ra mắt chuyên đề “Các tác phẩm sơn mài, sơn khắc trong sưu tập”, giới thiệu và phục vụ công chúng nhiều tác phẩm giá trị.

Tìm lại thuở ban đầu

Sơn mài và sơn khắc là những thể loại đặc biệt của mỹ thuật Việt Nam. Mỹ thuật sơn mài ra đời khẳng định sự phát triển của nền mỹ thuật nước nhà nói chung và là một thể loại mỹ thuật độc đáo mang tính bản sắc của dân tộc, cụ thể là nghề sơn cổ truyền ở nước ta đã có từ hàng ngàn năm. Hơn thế, hội họa sơn mài hiện đại Việt Nam còn làm nên những thành tựu quan trọng cho nền mỹ thuật nước nhà, xác lập một vị thế riêng biệt trong nền mỹ thuật thế giới.

Nếu bức tranh sơn mài Bờ ao của họa sĩ Trần Quang Trân có thể được xem như bằng chứng đầu tiên khẳng định đẳng cấp đích thực của tranh sơn mài thì lịch sử biên niên của hội họa sơn mài thời điểm ấy là những bước đi khá dồn dập. Năm 1925, ngay sau khi nhận chức giáo sư phụ trách chuyên ngành trang trí của Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, tại Văn miếu Quốc tử giám, họa sĩ Joseph Inguimberty đã sửng sốt trước các hoành phi, câu đối, đồ thờ, đồ sơn son thếp vàng lâu đời, lên nước thời gian, ngả sang những gam màu phong phú và kỳ lạ ở đây. Ông đã đề xuất với hiệu trưởng nhà trường đưa sơn ta vào chương trình nghiên cứu và thực tập. Năm 1927, nghệ nhân Đinh Văn Thành được mời vào làm việc tại xưởng nghiên cứu sơn ta, tiếp đó những sinh viên lứa đầu tiên nghiên cứu và vẽ thử nghiệm sơn ta xuất hiện như Lê Phổ, Trần Quang Trân, Phạm Hữu Khánh, Vũ Đăng Bổn, Nguyễn Tường Lân, Phạm Hậu, Nguyễn Khang, Trần Văn Cẩn…

Bến thuyền sông Hồng (sáng tác năm 1952) của Ủ Văn An.

Vẽ nhiều lớp, phủ dày, mài vẽ, những yếu tố kỹ thuật của tranh sơn mài truyền thống cũng như vật liệu vẽ như sơn, vóc, son, vàng, bạc, vỏ trứng, bản thân nó đã mang trong mình bao nội lực của chất liệu quý hiếm, khác hoàn toàn với chất liệu lụa, sơn dầu hay màu nước. Sơn dầu hay lụa ở mỗi loại hình đều có phương pháp thể hiện và kỹ thuật vẽ khác nhau, nhưng giống nhau ở điểm là vẽ thế nào thì hiện lên như vậy, nếu có biến đổi chút ít về màu cũng không đáng kể. Với sơn mài thì khác vì là chất liệu đặc biệt, cách vẽ lại càng đặc biệt hơn: mài vẽ. Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình sáng tạo và hình thành tác phẩm, khi người họa sĩ không thể nhìn một lúc tất cả các mối tương quan tổng thể của tác phẩm, vì vậy đòi hỏi phải có khả năng làm chủ chất liệu và định hình được tác phẩm trong khi mài vẽ. Với chất liệu, cách phủ màu nhiều lớp lên nhau, mài vẽ đã tạo nên một tác phẩm nhiều yếu tố ngẫu nhiên, lung linh huyền ảo. Chính những yếu tố khác biệt này đã giúp tranh sơn mài có một ngôn ngữ nghệ thuật vô cùng đặc biệt, nó cuốn hút các họa sĩ bởi vẻ đẹp độc đáo, huyền ảo, lộng lẫy đầy ma lực.

Những tác phẩm đầy hơi thở cách mạng

Chuyển tiếp từ vốn cổ dân tộc, tức nghề sơn cổ truyền, hội họa sơn mài và tranh sơn khắc Việt Nam tuy đã tiếp thu nhiều từ phương pháp tạo hình phương Tây nhưng vẫn lưu giữ những đặc tính của nghệ thuật dân gian và luôn song hành cùng lịch sử dân tộc. Tại triển lãm lần này, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã giới thiệu nhiều tác phẩm đẹp và quý trong bộ sưu tập khoảng 130 tác phẩm suốt gần 30 năm qua. Các tác phẩm thời kỳ đầu của mỹ thuật hiện đại Việt Nam mang đậm dấu ấn thẩm mỹ trữ tình, lãng mạn đặc trưng của mỹ thuật Đông Dương.

Sang một giai đoạn mới, mỹ thuật sơn mài như cùng hòa nhịp vào cuộc sống xã hội khi hàng loạt những tác phẩm chứa đựng ý chí đấu tranh của mỹ thuật cách mạng ra đời. Những tác phẩm phản ánh mọi mặt đời sống sinh hoạt người dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc: đó là hình ảnh đồng bào các dân tộc Tây Nguyên làm sạch kho thóc để nuôi quân, là những tiếng chày giã gạo vẫn đêm đêm rộn vang trên sóc Bom Bo, là những nam nữ thanh niên mười tám đôi mươi hừng hực khí thế sẵn sàng ra trận, là những du kích mưu trí dũng cảm, là vết tích xe tăng giặc quần nát những cánh đồng... Đó còn là những ngày gian khó nhưng vẫn đầy ắp tinh thần lạc quan cách mạng trong khắp các chiến khu, là ý chí sắt đá, tinh thần chiến đấu kiên cường của toàn quân dân để chuẩn bị xuất kích… Trên tất thảy, đó là một niềm tin son sắt và mãnh liệt ở con đường chính nghĩa, là một tinh thần chiến đấu bất khuất của một dân tộc anh hùng.

Đặc biệt, công chúng yêu nghệ thuật còn được thưởng lãm các tác phẩm kinh điển của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam như Thanh niên thành đồng (sáng tác năm 1978) của họa sĩ Nguyễn Sáng, Vườn xuân Trung Nam Bắc (hoàn thành năm 1989) của danh họa Nguyễn Gia Trí; thưởng lãm các tác phẩm của nhiều họa sĩ tài danh như Thái Hà, Nguyễn Siên, Ủ Văn An, Dương Sen, Nguyễn Hiêm, Nguyễn Khang, Nguyễn Kao Thương, Hoàng Trầm, Huỳnh Văn Thuận, Quách Phong…

MINH AN

Tin cùng chuyên mục