Sông Thanh hồi sinh

Mất hơn 3 giờ lội bộ trong rừng với nhiều đoạn dốc núi dựng đứng, chúng tôi mới đến được điểm đóng quân của Tổ bảo vệ rừng Khe Tà Vạt thuộc Vườn Quốc gia Sông Thanh (tỉnh Quảng Nam). Sự sống đã dần trở lại nơi đây khi cỏ cây đã bắt đầu che lấp các miệng hầm vàng bị đánh sập giữa năm 2021, sau hơn 40 năm bị “vàng tặc” tàn phá. 
Tổ bảo vệ rừng kiểm tra một lán trại và máy móc bị phá hủy trước đó
Tổ bảo vệ rừng kiểm tra một lán trại và máy móc bị phá hủy trước đó

Lãnh địa của “vàng tặc”

Trong ký ức của những người làm công tác bảo vệ rừng gắn bó với khu vực Sông Thanh, những phu vàng từng hoạt động nơi đây là những đối tượng manh động, liều lĩnh nhất mà họ từng biết. Bởi có không ít đối tượng trốn lệnh truy nã, cả tội phạm giết người đã tìm đến bãi vàng Sông Thanh trú ẩn vì đây là khu vực rừng núi hiểm trở, lực lượng chức năng khó tiếp cận được. Từ đó, khu vực này cũng nổi tiếng là “điểm đen” về an ninh trật tự với nạn mua bán ma túy, mại dâm, thanh toán tranh giành lãnh địa… khiến nhiều người khiếp sợ.

Khi bị truy quét, các đối tượng sẵn sàng chống trả quyết liệt bằng “hàng nóng” để tẩu thoát. “Gần đây nhất là năm 2019, khi lực lượng truy quét phát hiện một nhóm khoảng 15 người đào vàng trong khu vực thì họ tháo chạy vào rừng. Toàn bộ 15 đối tượng đều là người trong gia đình, từng đào vàng trái phép nhiều nơi nên cực kỳ manh động và nhiều mưu mô. Lúc này, chúng tôi có khoảng 20 người tiến hành chặn con đường duy nhất thoát ra ngoài thì nhóm người này tấn công khiến 2 cán bộ bị thương. Đến khi chúng tôi và lực lượng công an chính quy dùng công cụ hỗ trợ để khống chế thì mới bắt được các đối tượng”, ông Đinh Văn Hồng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh, nhớ lại. 

Theo ông Đinh Văn Hồng, các chủ mỏ vàng lậu nơi đây sẵn sàng thuê người cảnh giới để quan sát hành động của lực lượng truy quét. Mỗi khi lực lượng chức năng hành quân, họ biết trước, chôn giấu máy móc và trốn vào sâu trong núi. Kết thúc đợt truy quét, lực lượng chức năng còn chưa ra khỏi bìa rừng thì nhóm khai thác vàng quay trở lại đào máy móc lên tiếp tục hoạt động. Cứ dùng dằng mãi như vậy mà kéo dài hơn 40 năm.

Để giải quyết dứt điểm vấn nạn nhức nhối, tỉnh Quảng Nam đã xin ý kiến và được Bộ Quốc phòng chấp thuận dùng thuốc nổ để đánh sập các hầm vàng trong Vườn Quốc gia Sông Thanh, phối hợp lập kế hoạch đẩy đuổi các đối tượng “vàng tặc” ra khỏi vùng lõi vườn quốc gia. Anh Hoàng Ngọc Hùng, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng Khe Tà Vạt, trầm ngâm: “Trong 4 ngày, những tiếng nổ rung trời giật sập 75 miệng hầm vàng thành công cũng là lúc anh em trong tổ bắt đầu lập lán giữ rừng, giữ tài nguyên. Giờ thì hết “vàng tặc” rồi, chỉ còn mỗi anh em trong tổ với nhau thôi. Thấm thoát mới đó gần 1 năm ròng”. 

Giữ rừng, giữ tài nguyên

Trong số 240 cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh, hầu hết là bà con đồng bào các dân tộc sống trên địa bàn. Có việc làm, đồng lương ổn định so với mặt bằng chung ở địa phương nên cái đói không còn vây lấy nhiều gia đình. Cũng từ đây, người dân ý thức hơn trong việc giữ rừng, bảo vệ rừng và không còn nghe theo lời kẻ xấu xúi giục làm điều phạm pháp. Chàng trai trẻ Bhnước Nam (22 tuổi, quê xã La Dê, huyện Nam Giang) là một trường hợp như thế. Sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng, Nam đi xin việc làm một số nơi nhưng không được rồi nộp đơn vào Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh. Chưa vợ con, mỗi tháng, Nam gửi mẹ 3 triệu đồng tiền lương để dành. 

“So với bạn bè ở nhà thì công việc của em cũng ổn định. Đi tuần tra trong rừng cũng giống như mọi khi đi rẫy, đi nương thôi, chỉ có hơi buồn một tí nhưng giờ thì đã quen. Em đang cố gắng ban ngày đi làm, ban đêm ôn lại tiếng Anh để bổ sung đủ các chứng chỉ. Nếu thuận lợi, năm sau em sẽ thi vào biên chế”, Nam khoe với chúng tôi. 

Chúng tôi quyết định vào vùng lõi Sông Thanh để tận mục sở thị việc chấm dứt hoạt động khai thác vàng trái phép dai dẳng hơn 40 năm qua cũng như phần nào trải nghiệm công tác tuần tra giữ rừng. Đúng 13 giờ, chúng tôi theo 2 cán bộ bảo vệ rừng vào nơi các anh đóng quân tuần tra, kiểm soát trong vùng lõi của rừng Sông Thanh. Để đến được Khe Tà Vạt, chúng tôi mất 40 phút đi phà qua lòng hồ, rồi tiếp tục lội bộ 3 giờ trong rừng già.

Cơn mưa đêm hôm trước khiến con đường mòn đến chốt dày đặc vắt rừng. Khi vượt qua 2km dốc thẳng đứng đầu tiên, chúng tôi đã phải dừng tại bãi nghỉ mà các phu vàng trước kia dọn để làm nơi nghỉ chân. Cách đó không xa, ngôi mộ của một phu vàng được chôn ngay sát đường đi. Thấy chúng tôi thở hồng hộc, anh Hoàng Ngọc Hùng, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng Khe Tà Vạt, chỉ cười rồi bảo đây mới là con dốc “chào hàng” vì mỗi lần tuần tra, các anh còn qua những con dốc khó gấp 5-6 lần như vậy. 

Tổ bảo vệ rừng Khe Tà Vạt có 8 người, được chia luân phiên trực 6 ngày thì được về nhà 2 ngày, kể cả lễ tết. Hàng ngày, tổ bảo vệ bắt đầu ca trực vào 7 giờ và kết thúc về lại lán vào 16 giờ, trong đó cắt cử 1 người ở lại nấu ăn. “Mỗi lần đi như vậy, anh em mang mì tôm, lương khô, có khi đùm theo cơm nắm để ăn trưa. Nước thì uống dưới suối. Tổ chịu trách nhiệm tuần tra 2 tiểu khu 337 và 338 với diện tích gần 2.000ha. Phải đi liên tục vì nghỉ một ngày thì “lâm tặc”, “vàng tặc” vẫn chực chờ ngoài kia tìm cơ hội để hoạt động”, anh Hùng kể về công việc hàng ngày.

Đoàn tiếp tục đi. Chừng 5km nữa, thấp thoáng lá cờ đỏ sao vàng được treo trên cao, bên dưới là lán trại bằng bạt ni lông dần hiện ra. Chúng tôi đến được chốt bảo vệ rừng - nơi từng là điểm khai thác vàng khi trời đã nhá nhem tối. Mặt trời dần khuất núi, nhưng thấp thoáng hai bên suối vẫn thấy rõ hàng chục tấn đá được các phu vàng nghiền nhỏ tìm vàng còn ngổn ngang. Nhiều máy móc, lều trại được tổ bảo vệ rừng phá hủy, nằm chỏng chơ khắp nơi. Những miệng hầm vàng bị giật sập bằng thuốc nổ nay đã được cỏ cây che kín. Con suối trước kia đục ngầu, ngậm đầy chất độc xyanua vì nạn đào đãi vàng, nay đã trong veo. Sự sống đã dần trở lại!

Tại lán trại của Tổ bảo vệ rừng, 8 người đàn ông nuôi được 1 bầy gà, vịt, trồng một mảnh vườn rau nhỏ để tự túc trong những ngày mưa gió không ra được khỏi rừng. Gần 1 năm trôi qua, bầy gà đã đẻ lứa đầu tiên. Bầu bí cũng đã cho quả. Những người đàn ông, lớn nhất 41 tuổi, trẻ nhất mới 22 tuổi, từ không biết nấu ăn nay đã thành thục chuyện bếp núc. Khi được hỏi về cách liên lạc với bên ngoài, Hiên Kiều (29 tuổi, quê xã Đăk Ring) chỉ tay về hướng Bắc: “Anh muốn liên lạc thì đi chừng 1 tiếng và leo lên dốc 5 tầng đó là có sóng điện thoại. Bọn em cần gọi ai là lên đó, không nghe máy thì nhắn tin hẹn giờ gọi, chiều đi tuần về lại lên đó chờ cuộc gọi”. Anh Hùng, Chốt trưởng, khoe với anh em, tranh thủ lúc chờ chúng tôi ngoài xã anh đã mua được một chiếc radio mới thay thế chiếc cũ để cập nhật tin tức vì nơi này sóng điện thoại không đến được. Chiếc radio là thứ duy nhất bầu bạn với mọi người trong buổi cơm tối hay mỗi buổi sáng trước khi đi tuần.

Có khách đến thăm, anh em chốt bảo vệ rừng Khe Tà Vạt biểu quyết làm thịt 2 con vịt kèm theo tí rau rừng, chuối trộn tép khô để làm cơm đãi khách. Trong bữa cơm tối, mọi người vui vẻ chuyện trò, kể cho nhau những câu chuyện trên núi, dưới xuôi. Ngoài trời mưa rơi lộp bộp trên tấm bạt, còn bên trong lán trại, tiếng hát được phụ họa bởi tiếng gõ chén, thùng nhựa được huy động làm nhạc cụ vang cả núi rừng. Ẩn trong những tiếng cười, tiếng hát ấy là câu chuyện dài nỗi niềm giữ rừng Sông Thanh. Những người con của núi rừng nay tiếp tục bám rừng để giữ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước. Sông Thanh - nơi từng là lãnh địa của những bãi vàng trái phép, những đại ca giang hồ khét tiếng nay đã bình yên và đang dần hồi sinh.

Ông Đinh Văn Hồng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh cho biết, trong số 240 người của ban quản lý đã có 210 người thuộc 21 chốt bảo vệ của đơn vị đều đóng quân ở các điểm trọng yếu trong rừng. Đơn vị quản lý 77.000ha rừng, một diện tích rất lớn, nhiều khó khăn nhưng ai nấy đều tin tưởng luôn bảo vệ và giữ được rừng. Vì không chỉ chừng ấy con người mà còn có gia đình, người thân của họ và cộng đồng dân cư nơi đây cùng chung tay giữ rừng. Giữ rừng phải dựa vào đồng bào bản địa. Đa số ở đây là người trẻ, được học hành cơ bản, sau ca trực còn là một tuyên truyền viên đến từng địa phương. Bà con trên địa bàn thấy con cháu bảo vệ rừng nên ý thức, không phá rừng nữa. Rất nhiều trường hợp bà con thấy người lạ vào địa bàn là báo ngay cho chốt bảo vệ, ban quản lý và chính quyền địa phương.

Tin cùng chuyên mục