Sử dụng công nghệ cao trong quản lý địa bàn

Sau gần 2 năm thành lập, đến nay công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP Thủ Đức (TPHCM) có những chuyển biến tích cực. Song tình hình vẫn tiềm ẩn phức tạp, số vụ vi phạm về đất đai, xây dựng tại một số địa bàn chưa được kéo giảm, gây khó khăn cho công tác quản lý đối với một đô thị đông dân, diện tích rộng.

PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp (ảnh), Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức, xung quanh vấn đề này.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức
PHÓNG VIÊN: Theo phản ánh của người dân, tại một số địa bàn TP Thủ Đức, tình trạng vi phạm trật tự đô thị còn phức tạp, thưa đồng chí?

Đồng chí NGUYỄN HỮU HIỆP: Ở những địa bàn đô thị hóa, nhu cầu người dân muốn có mảnh đất, mái nhà để tạo dựng cuộc sống là rất cao. Tuy nhiên, quá trình quản lý đất đai ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều bất cập, từ đó tạo ra những khoảng trống, sơ hở trong xác nhận về nguồn gốc tạo lập đất đai và chuyển nhượng đất đai, xây dựng nhà ở khi đất ở nơi đó vẫn còn là đất nông nghiệp. Mặt khác, nhiều phường có diện tích rộng, dân đông, trong khi đội ngũ cán bộ mỏng, không quản lý hết được. Hệ thống chính trị ở cơ sở dù là tai mắt, cánh tay nối dài của chính quyền, cũng không đủ để bao quát hết được. Do đó, theo tôi, công tác tuyên truyền pháp luật về đất đai, xây dựng phải được làm thường xuyên, để người dân biết việc nào đúng thì chấp hành, việc nào sai thì không làm.

Nhưng cũng phải thừa nhận có tình trạng cán bộ tiêu cực, tiếp tay cho vi phạm đất đai, xây dựng trên địa bàn?  

Trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, địa phương nào cũng dựa theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt để giám sát, quản lý. Thực tế thì quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất không phải địa phương nào cũng phù hợp với thực tế nhu cầu sử dụng đất của cá nhân và tổ chức. Nếu thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp với thực tế sẽ từng bước đáp ứng với nhu cầu của người dân.

Chúng ta đều biết, lợi ích phát sinh từ đất đai che khuất những quy định và khung pháp lý, nên rất dễ dẫn đến sự lách luật, móc nối, tiếp tay của cán bộ với người dân. Còn một thực tế khác nữa là do nhiều cán bộ, công chức thừa hành công vụ không thể hiện sự nêu gương, thiếu bản lĩnh trước những cám dỗ, vì lợi ích vật chất đã vượt qua những quy định về pháp luật đất đai. Thậm chí có những hồ sơ đất đai được chuyển đến cơ quan thuế đã hoàn thành các thủ tục nhưng sau khi cơ quan điều tra vào cuộc mới phát hiện ra là giả.

Sử dụng công nghệ cao trong quản lý địa bàn ảnh 2 Cưỡng chế một căn nhà xây dựng không phép tại phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức)
Trước thực tế đó, Thành ủy TP Thủ Đức có những chỉ đạo chấn chỉnh? 

Thành ủy TP Thủ Đức thời gian qua đã có những chỉ đạo rất quyết liệt trong việc lập lại trật tự xây dựng, quy hoạch trên địa bàn, đặc biệt là những địa bàn “nóng” về vi phạm đất đai, xây dựng. Trong thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự đô thị và Chỉ thị 24 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng nhà, đất, tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn, Thành ủy TP Thủ Đức đã triển khai nhiều giải pháp chấn chỉnh từ trong đội ngũ cán bộ và đề xuất điều chỉnh một số chính sách trong quản lý đất đai, xây dựng. Qua đó, giúp chính quyền địa phương biết được nơi nào là đất công đang quản lý, nơi nào là đất của dân để giám sát, quản lý tốt hơn.

Về giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả quản lý đối với địa bàn rộng, đông dân, TP Thủ Đức đã thực hiện như thế nào?

Thời gian qua, TP Thủ Đức đã thử nghiệm đưa công nghệ cao vào quản lý địa bàn, quản lý đất đai, đô thị, xây dựng trên một số địa bàn bằng hình ảnh. TP Thủ Đức đã báo cáo xin ý kiến cơ quan chức năng quản lý bầu trời, mỗi tuần có 3 lần sử dụng flycam (máy bay camera) bay ghi nhận một số điểm. Trang thiết bị đã đưa về từng phường, giao cho lực lượng công an và quân sự quản lý, vận hành thử nghiệm trên một số địa bàn trọng điểm về đất đai, xây dựng. Dự kiến sẽ có 3 phường là An Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm thí điểm áp dụng flycam trong quản lý trật tự đô thị, đất đai, quy hoạch, xây dựng. Không chỉ giám sát về trật tự đô thị, mà flycam còn giám sát tình hình an ninh trật tự trên địa bàn và phòng cháy chữa cháy.

Kết quả thử nghiệm bước đầu ra sao, thưa đồng chí?

Qua thử nghiệm flycam ở một số địa bàn đã phát hiện mấy vụ trộm cắp xe gắn máy ở phường Linh Trung, bắt được cả băng nhóm, nơi cất giấu xe gắn máy và đồ trộm cắp được. Hay ở phường Long Thạnh Mỹ, flycam cũng giúp phát hiện một nhóm thanh niên tổ chức sử dụng ma túy trên tầng thượng một tòa chung cư cao tầng...

Kết quả thử nghiệm cho thấy, qua ứng dụng công nghệ cao trong quản lý địa bàn, giúp người lãnh đạo thấy rõ được thực tế địa bàn mình quản lý, để có các biện pháp xử lý, ngăn chặn các hành vi sai trái trong lĩnh vực đất đai, xây dựng và trật tự, an toàn xã hội. Công cụ giám sát này rất phù hợp với một địa bàn đông dân, có tốc độ đô thị hóa cao như TP Thủ Đức và sẽ được triển khai rộng rãi trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục