Sự hỗn độn của "Tĩnh vật"

“Tĩnh vật” là tên gọi cuộc triển lãm tranh của họa sĩ Trần Ngọc Đức được tổ chức từ ngày 25-10 đến ngày 29-10, tại BLANC Art Space (57D Tú Xương, quận 3, TPHCM). Những tác phẩm tĩnh vật đa điểm khổ 120x140cm là một kiểu vẽ từ trước đến nay ít được các họa sĩ Việt Nam chọn lựa.
Sự hỗn độn của "Tĩnh vật"

(SGGPO).- “Tĩnh vật” là tên gọi cuộc triển lãm tranh của họa sĩ Trần Ngọc Đức được tổ chức từ ngày 25-10 đến ngày 29-10, tại BLANC Art Space (57D Tú Xương, quận 3, TPHCM). Những tác phẩm tĩnh vật đa điểm khổ 120x140cm là một kiểu vẽ từ trước đến nay ít được các họa sĩ Việt Nam chọn lựa.

Triễn lãm được chia làm hai phòng trưng bày (một phòng ở tầng trệt, một phòng ở lầu 1), gồm trên 20 bức tranh. Hơn hai mươi bức tranh chỉ có vài tông màu, hết sức đơn giản.

Phòng trưng bày là sự kết hợp ánh sáng hài hòa, tinh tế

Không gian của phòng triển lãm là sự kết hợp giữa ánh đèn vàng dịu nhẹ và một chút ánh sáng tự nhiên từ những khe cửa sổ. Sự kết hợp tinh tế này khiến người xem tranh cảm nhận được một sự tĩnh lặng, thoát khỏi hẳn sự ồn ào, xô bồ của cuộc sống bên ngoài.

Một góc khác của phòng triển lãm

Những bức tranh được họa sĩ Trần Ngọc Đức đặt cho những cái tên mang đầy vẻ chiêm nghiệm như: "Ở lại và thay đổi", "Lênh đênh", "Bữa tiệc tàn", "Phá vỡ những ranh giới"…

Hơn hai mươi bức tranh, thoạt xem qua có vẻ đơn giản, nhưng càng xem kỹ, những bức tranh càng trở nên sống động. Hoàn toàn khác với tên gọi của cuộc triển lãm - “Tĩnh vật”, những gì chứa đựng trong các bức tranh là sự giằng co, chen lấn, mâu thuẫn. Ở đó có hoa, có cá, cũng có cả người… Bức tranh đôi khi hiền hòa trong sáng, khi cô đơn đến lạ lùng, khi rối rắm không lối ra, có khi lại muốn căng tràn nổ tung như một quả bóng.

Tác phẩm "Ở lại và thay đổi"

Trong hội họa, đề tài tĩnh vật thường được nghệ sĩ thể hiện nhiều và bằng những phong vị khác nhau, để truyền tải biểu đạt cảm xúc chủ quan. Bố cục tĩnh vật thường được nghĩ đến là sự sắp xếp một vài đồ vật có ý nghĩa để góp tiếng nói biểu đạt cái cảm xúc lớn của toàn tác phẩm mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm. Tuy nhiên, phương hướng sử dụng bố cục dàn trải, nhiều yếu tố tĩnh vật cũng đã được nhiều họa sĩ thể hiện.

Họa sĩ Trần Ngọc Đức cho biết: “Xuyên suốt mỗi tác phẩm, tôi muốn tạo nên một không gian vật chất giằng co, chen lấn, xâm chiếm, hòa tan, hoang mang, nhiều chiều liên tưởng. Khi mang cho những đồ vật một thân phận, thì bàn tiệc như một thế giới thu nhỏ, sự góp mặt của mỗi yếu tố đều có ý nghĩa, góp phần cho một liên tưởng đến một nội dung lớn hơn”.

Họa sĩ Trần Ngọc Đức cũng thừa nhận, anh đã tham lam khi phơi bày tất cả mọi thứ trong một thế giới thu nhỏ, như để kể lể cho người xem một câu chuyện có nhiều tình tiết, nhiều mối liên quan đan xen, nhiều nội dung, nhiều bất định.

TRẦN XUÂN THỦY

Tin cùng chuyên mục