Sức sống hội họa Đông Dương

Phòng trưng bày LGDR & Wei ở Hồng Công (Trung Quốc) tổ chức triển lãm mang tên Scenes of This World Morden painting from Singapore and Vietnam (Những khung cảnh đẹp: Hội họa hiện đại từ Singapore và Việt Nam) với hơn 30 tác phẩm của 11 nghệ sĩ đến từ 2 quốc gia.

Ngôi đầu trên nhiều sàn đấu giá quốc tế

Triển lãm Những khung cảnh đẹp: Hội họa hiện đại từ Singapore và Việt Nam được giám tuyển Karin G.Oen - một học giả người Singapore và là Trưởng khoa Lịch sử nghệ thuật Đại học Công nghệ Nanyang, chịu trách nhiệm chính trong việc tuyển chọn tranh.

Trong ấn phẩm giới thiệu về cuộc triển lãm này cho biết, trong 11 họa sĩ được tuyển chọn có các họa sĩ đến từ Việt Nam, gồm: Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Trung. Trong đó, họa sĩ Nguyễn Trung trẻ nhất và hiện ông đang sống tại TPHCM. Trong số những họa sĩ có tranh tại triển lãm có nữ họa sĩ Alix Aymé người Pháp, nhưng các sáng tác của bà gắn liền với những bức tranh về Á Đông, trong đó nổi tiếng nhất là phong cảnh và con người Việt Nam.

Tranh Đông Dương luôn giữ ngôi đầu trên nhiều sàn đấu giá quốc tế. Cách gọi tranh Đông Dương là ý chỉ những tác phẩm được sáng tác bởi lớp họa sĩ được đào tạo từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Với số lượng tác giả, tác phẩm trong triển lãm Những khung cảnh đẹp: Hội họa hiện đại từ Singapore và Việt Nam dịp này, một lần nữa minh chứng cho sức sống và vẻ đẹp của hội họa Việt Nam.

Nhà sưu tập Thiều Quang dày công mang nhiều tác phẩm mỹ thuật Đông Dương về lại Việt Nam (tác phẩm trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Quang Sang, TPHCM). Ảnh: VĂN HIẾU

Nhà sưu tập Thiều Quang dày công mang nhiều tác phẩm mỹ thuật Đông Dương về lại Việt Nam (tác phẩm trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Quang Sang, TPHCM). Ảnh: VĂN HIẾU

Theo chia sẻ từ nhiều giám tuyển, tranh Đông Dương liên tục cán mốc triệu USD trên các sàn đấu giá quốc tế là do những năm gần đây, các nhà sưu tập trong nước bắt đầu quan tâm mạnh mẽ đến hội họa Việt Nam. Những cuộc “xuống tay” hàng triệu USD với mong muốn đưa tranh Việt hồi hương ngày càng nhiều.

Bên cạnh đó, một lượng lớn các nhà sưu tập trong khu vực châu Á cũng dành sự quan tâm và đánh giá cao nghệ thuật hội họa Việt Nam. Giám tuyển Karin G.Oen cho biết, các tranh trong triển lãm Những khung cảnh đẹp: Hội họa hiện đại từ Singapore và Việt Nam lần này đều được mượn từ Quỹ đầu tư nghệ thuật Thượng Hải hoặc bộ sưu tập tư nhân của các nhà sưu tập ở Trung Quốc.

Lý giải cho một vẻ đẹp xưa

Có nhiều yếu tố từ thị trường, lượng nhà sưu tập… để giải thích cho việc tranh Đông Dương liên tục lập kỷ lục qua các phiên đấu giá. Trị giá của các tác phẩm cũng phần nào phản ánh giá trị của nó. Có thể nói, để có được mức giá kỷ lục, chính giá trị sáng tác hài hòa nét đẹp nghệ thuật hội họa Việt Nam cùng với sự ảnh hưởng từ các nền hội họa lớn trên thế giới, đã mang lại sức sống bền vững cho dòng tranh Đông Dương.

Giám tuyển Karin G.Oen chia sẻ: “Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã giảng dạy chương trình mỹ thuật cùng với các kỹ thuật hội họa kết hợp chất liệu nghệ thuật địa phương của Việt Nam, bao gồm lụa và sơn mài - một phần trong nỗ lực tạo nên một nền nghệ thuật hiện đại đặc trưng của Việt Nam”.

Có thể thấy, các họa sĩ trong hội họa hiện đại Việt Nam đều chịu ảnh hưởng “trường phái Paris”, bởi người giảng dạy họ là các họa sĩ đến từ Pháp. Tuy nhiên, thành công của dòng tranh do các thế hệ họa sĩ từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tạo nên, chính là việc tìm cách kết hợp các yếu tố bản địa vào ngôn ngữ tạo hình một cách mới mẻ, mang bản sắc quốc gia, địa phương của mình nhiều hơn.

"Trong nhiều năm qua, quỹ đã đầu tư khá lớn vào việc sưu tầm tác phẩm nghệ thuật Việt. Quan điểm của quỹ rất rõ ràng, chúng tôi coi đây là một kênh đầu tư thương mại như nhiều dòng đầu tư khác. Chính vì vậy, quỹ chọn Việt Nam như một điểm đầu tư văn hóa hấp dẫn và nhiều tiềm năng phát triển"

Ông Dương Chí Dũng, Giám đốc Quỹ đầu tư nghệ thuật Thượng Hải

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi bày tỏ: “Sự thành công của tranh Đông Dương có thể kể đến việc các họa sĩ để hồn cốt Việt Nam trong đó. Các thế hệ họa sĩ trước đây đã làm được điều này, lấy chất liệu, kỹ thuật phương Tây để vẽ nhưng nội dung bức tranh người ta nhìn vào biết ngay là tranh Việt, tạo nên một bản sắc riêng trên thị trường mỹ thuật thế giới”.

Sự thành công của tranh Đông Dương có thể nói là mở màn cho lứa họa sĩ được đào tạo bài bản và chuyên môn của Việt Nam. Không hẳn đây là đại diện hay đặc trưng cho nghệ thuật hội họa Việt, nhưng chính sức sống của nó, một lần nữa cho thấy giá trị bền vững của một nét đẹp Việt Nam, tạo nên bản sắc cho những tác phẩm có khi cách đây cả thế kỷ.

Tin cùng chuyên mục