Tâm điểm chú ý của các cường quốc

Ngày 5-4, báo Yomiuri Shimbun đưa tin Nhật Bản và Đức đang chuẩn bị Đối thoại chiến lược ngoại giao, quốc phòng (2+2) với trọng tâm là tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, hướng tới hiện thực hóa một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Trước đó, Australia, Anh cũng đang tăng tốc thúc đẩy các chiến lược ngoại giao tranh giành ảnh hưởng ở khu vực này.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh dự kiến sẽ tham gia hoạt động ngoại giao hải quân với một số nước và tiến hành tập trận ở Biển Đông
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh dự kiến sẽ tham gia hoạt động ngoại giao hải quân với một số nước và tiến hành tập trận ở Biển Đông

Đảm bảo hòa bình khu vực

Theo báo Yomiuri Shimbun, với việc ban hành văn kiện về chiến lược ngoại giao mới liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào tháng 9 năm ngoái, Đức đã cho thấy mong muốn thúc đẩy hợp tác và tăng cường hiện diện tại khu vực. Đây cũng là điều Nhật Bản đang hy vọng sẽ được thúc đẩy mạnh hơn nữa tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Nhật Bản đang thúc đẩy quan hệ hợp tác với Đức - thành viên quan trọng của EU, trong đó có lĩnh vực an ninh. Đức đã cam kết phái cử một tàu khu trục đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trong đối thoại lần này có thể sẽ trao đổi về việc cập cảng Nhật Bản, cùng tham gia huấn luyện chung với Lực lượng phòng vệ nước này.

Trước đó, phát biểu trên đài truyền hình Sky News ngày 4-4, tân Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton khẳng định nước này sẽ hợp tác với các đồng minh trong nhóm liên minh tình báo Five Eyes và Bộ Tứ, cũng như không gây “thù địch” với Trung Quốc, để đảm bảo hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông Dutton khẳng định, Australia không ủng hộ việc quân sự hóa các cảng và không ủng hộ bất kỳ nước nào cố gắng gây ảnh hưởng thông qua không gian mạng hoặc các cách thức khác.

ASEAN là trọng tâm

 Trong khi đó tại Anh, hơn một năm sau khi rời khỏi EU, Chính phủ Anh đã đề ra chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia trong 10 năm tới. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố một chương trình nghị sự đầy tham vọng cho “Nước Anh toàn cầu”. Theo đó, duy trì việc Anh giữ vị thế chắc chắn ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương, đồng thời nghiêng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo báo The Straits Times, Đông Nam Á xuất hiện nổi bật trong tính toán của Anh liên quan đến kế hoạch chuyển hướng kể trên, vì khu vực này nằm ở điểm hợp lưu của các xu hướng toàn cầu vốn sẽ tác động đến sự thịnh vượng và an ninh trong tương lai của Anh: sự dịch chuyển trọng tâm kinh tế thế giới sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sự trỗi dậy của châu Á, tình trạng đối đầu gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, tình trạng mất an ninh hàng hải gia tăng và mối đe dọa hiện hữu về biến đổi khí hậu.

Vì vậy, tháng 6-2020, một năm sau khi bổ nhiệm đại sứ tại ASEAN, Anh đã đăng ký trở thành đối tác đối thoại thứ 11 của ASEAN. Trước khi rời khỏi EU, năm 2019 Anh là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng giờ đây, Anh muốn tận dụng quyền tự do hành động của mình sau khi rời khỏi EU và nỗ lực đạt được các thỏa thuận thương mại mới với khu vực để tăng cường vai trò thương mại và đầu tư của mình. Trong số các nước châu Âu, Anh đã có các mối quan hệ an ninh mở rộng nhất với khu vực Đông Nam Á thông qua việc duy trì một căn cứ lục quân ở Brunei và một cơ sở hậu cần hải quân ở Singapore.

Chính phủ Anh hy vọng rằng đến năm 2030, Anh sẽ “can dự sâu sắc vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với tư cách là một đối tác châu Âu có sự hiện diện rộng rãi nhất, tích hợp nhất nhằm hỗ trợ cho thương mại cùng có lợi, an ninh và những giá trị chung”.

Chắc chắn, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một mục tiêu đầy tham vọng trong việc chuyển hướng của các cường quốc và khu vực này sẽ trở thành một môi trường quốc tế mà trong đó sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Tin cùng chuyên mục