Tấm gương lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ

LTS: Sau một thời gian dài lâm bệnh, họa sĩ Trần Lưu Hậu (sinh năm 1928), một tài năng lớn của mỹ thuật Việt Nam, đã qua đời tối 29-2 tại Hà Nội. Những năm cuối đời, dù tuổi cao, sức khỏe giảm sút, ông vẫn luôn nỗ lực chống chọi với bệnh tật, vẽ trên xe lăn. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã có bài viết về người thầy Trần Lưu Hậu và những di sản ông để lại cho cuộc đời.

Người thầy mẫu mực

Họa sĩ Trần Lưu Hậu sinh năm 1928, tốt nghiệp khóa Mỹ thuật Kháng chiến, tu nghiệp tại Học viện Mỹ thuật Surikov, Mátxcơva, Liên Xô cũ. Từ năm 1962-1989, ông giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Ông từng giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Ông được nhận định là một trong những họa sĩ đã xóa bỏ định kiến về tính “bảo thủ” của thế hệ ông, nếu không muốn nói, ông là người duy nhất triệt để làm điều ấy. Đóng góp của họa sĩ Trần Lưu Hậu cho sự thay đổi quan niệm nghệ thuật và khuynh hướng sáng tác của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam là không thể phủ nhận. Ông cũng là một người thầy quan trọng ở lĩnh vực đào tạo nghệ thuật tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ông được cho là người đã khai mở cho những sáng tác của thế hệ họa sĩ mới, đưa đến cho học trò một quan niệm thẩm mỹ mới mẻ, trở về những vẻ đẹp đời thường, bình dị, tự sự cá nhân chứ không phải cái minh họa tập thể.

Tấm gương lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ ảnh 1 Họa sĩ Trần Lưu Hậu. Ảnh: Gia đình cung cấp
Họa sĩ Trần Lưu Hậu không chỉ là người thầy mẫu mực, tận tụy, quan trọng nhất là ông không áp đặt ảnh hưởng của mình lên sinh viên. Trong một khóa học mấy chục sinh viên, ông hiểu rõ từng học trò của mình. Người này như thế nào, người kia ra sao, cần phải “đánh thức” thế nào để trò có tư duy độc lập. Ông đưa đến cho họ những kiến thức cơ bản về mỹ thuật, song lại rất tôn trọng cái tôi cá tính của mỗi học trò. Họ không phải nghĩ theo thầy, vẽ theo thầy. Trong các chuyến đi thực tế sáng tác, thay vì chỉ ký họa ghi chép lại thực tế, thầy thường khuyến khích sinh viên thể hiện dấu ấn sáng tạo cá nhân. Chính việc thay đổi lối suy nghĩ “cầm tay chỉ việc” vẫn được áp dụng trước đó, nhiều khuynh hướng sáng tác mới đã được manh nha trong thời kỳ này.

Từ giản dị đến sang trọng

Không chỉ có đóng góp lớn trong đào tạo, mà với chuyên ngành thiết kế sân khấu, họa sĩ Trần Lưu Hậu cũng tạo được nhiều dấu ấn. Ngay từ năm 80, ông từng là một trong số ít các nhà thiết kế sân khấu sớm đi vào tính tối giản, tận dụng không gian đa chiều với những mặt cắt của không gian, thay vì kiểu trang trí rườm rà thịnh hành trước đó. Song sân khấu chỉ là một góc nhỏ trong kho tàng nghệ thuật của họa sĩ Trần Lưu Hậu. 

Với hội họa, ông chủ động trong cuộc chơi này và để lại những dấu ấn riêng khiến người thưởng ngoạn phải nghiêng mình. Đây là thời kỳ mà ảnh hưởng của phong cách vẽ hiện thực kiểu Liên Xô vẫn đang bao trùm sáng tác mỹ thuật trong nước. Tuy nhiên, cố họa sĩ lại vẽ với cái nhìn chủ quan cá nhân mạnh mẽ. Giới trong nghề đánh giá, khi đó, ông giật những nét bút lớn, dài, đầy xung lực, tạo nên những dòng chuyển động không ngừng trong tác phẩm.

Ông nhỏ nhẹ, mềm mại khi vẽ lụa; đầy cảm xúc mãnh liệt, phóng khoáng khi thể hiện trên sơn dầu. Trong thời kỳ khó khăn, chưa có đủ chất liệu như bây giờ, ông vẽ bột màu. Cách xử lý bột màu của ông thật không giống ai, đáng kính nể. Ông thực sự tài tình khi biến những chất liệu giản dị cất lên tiếng nói sang trọng. Ở từng thời điểm, hội họa Trần Lưu Hậu có sức hút riêng, song chắc chắn, đó không phải thứ nghệ thuật phổ cập, bởi dù chỉ là tranh phong cảnh, thiên nhiên, hoa cỏ… cũng ẩn chứa nội tâm. Vừa đan cài sự tươi mới rực rỡ của thiên nhiên, vừa kéo theo rất nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau, nên người chơi tranh tinh tế mới cảm được.

Ông đã thực hiện nhiều triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm trong và ngoài nước. Tác phẩm của ông có mặt ở Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia, Bảo tàng Phương Đông ở Ba Lan và Liên Xô cũ, trong các bộ sưu tập tư nhân. Ông nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001. Những năm cuối đời, ông không tự đi lại được nhưng vẫn không rời xa hội họa. Ở trên xe lăn, ông vẫn vẽ những tác phẩm lớn.

Ở tuổi 92, họa sĩ Trần Lưu Hậu đã vĩnh biệt chúng ta để lên chuyến tàu đi về ga cuối, song di sản của ông để lại sẽ tiếp tục lan tỏa với mỹ thuật Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục