Bức tranh sơn mài Đám rước, được họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993) sáng tác năm 1939, khổ 3mx1,8m, thuộc sở hữu của Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TPHCM vừa được họa sĩ Nguyễn Lâm phục chế thành công. Kinh phí để thực hiện việc này hoàn toàn do những người Pháp đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam quyên góp.
Rộng lòng với di sản
Đám rước được họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ xong vào tháng 11-1939 tại TP Hà Nội. Tác phẩm sơn mài khắc chìm này có kích thước 3mx1,8m được ghép lại từ 9 tấm nhỏ, mỗi tấm có kích cỡ 1mx0,56m trên một bộ khung gỗ nhóm A, dày 0,25m, nền vóc làm bằng gỗ mít có bề dày 0,1m. Họa sĩ bọc vải và lót nhiều lớp sơn sống, mài phẳng rồi phủ màu son. Nội dung của bức tranh ca ngợi cảnh làng quê Bắc bộ thanh bình với cây gạo, bụi tre, hàng chuối, cánh đồng, mương máng, gác chuông chùa. Trên đồng ruộng, người đang tát gầu sòng, kẻ tát gầu dây tưới nước cho ruộng lúa, người mò cua bắt ốc, người đang đánh giậm, xa xa là một đám rước hội làng đang tiến lại.
Không ai biết bức tranh thuộc bộ sưu tập của Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TPHCM từ bao giờ. Nhưng đầu tháng 4-2011, khi ông Fabrice Mauriès đến nhậm chức tổng lãnh sự thì đã thấy nó được treo trang trọng ở ngay phòng khánh tiết của tổng lãnh sự. Trải qua mấy chục năm lớp bụi bám đã làm cho bức tranh xuống màu, bong tróc vài chỗ… Xót xa trước sự xuống cấp của một trong số những tác phẩm hiếm hoi còn thấy ở Việt Nam của một họa sĩ đại tài, ông Fabrice Mauriès lập tức vào cuộc. Ông nhớ lại: “Tôi mời một chuyên gia mỹ thuật người Pháp đến thẩm định bức tranh, nhưng người ta đưa ra cái giá tiền công rất lớn. Trong những cuộc gặp gỡ với bạn bè và những người Pháp đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam, tôi đều chia sẻ với họ về hiện trạng của bức tranh và mong muốn tìm cách lau sạch bụi bám trên mặt tranh với giá cả có thể chấp nhận được”. Tâm sự của ông lập tức nhận được sự đồng cảm của ông Guy Lacombe, nhà sưu tầm nghệ thuật. Ông Guy Lacombe liền đứng ra vận động bạn bè là những người Pháp ở Việt Nam có tình yêu nghệ thuật góp tiền gây quỹ phục chế tranh. Mọi người hưởng ứng nhiệt tình và 3 tháng sau đã có đủ tiền chi phí cho công việc quan trọng này. “Mọi chuyện rất dễ dàng vì người Pháp rất rộng rãi khi được kêu gọi đóng góp cho việc bảo tồn di sản văn hóa”, ông Fabrice Mauriès hồ hởi kể.
Niềm hãnh diện của người tỉ mỉ
Yêu cầu của ông Fabrice Mauriès là công việc phục chế phải được làm tỉ mỉ ngay trong tư dinh của tổng lãnh sự. Ông Guy Lacombe đến tìm gặp họa sĩ Nguyễn Lâm, người có thâm niên hơn 50 năm làm sơn mài. Ông từng là thành viên sáng lập Câu lạc bộ họa sĩ trẻ Sài Gòn những năm 1960, cùng thời với các họa sĩ Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Đỗ Quang Em, Trịnh Cung... Thế là họa sĩ Nguyễn Lâm được mời vào gặp ông Fabrice Mauriès và được tin tưởng mời làm việc.
Hàng ngày, họa sĩ Nguyễn Lâm cùng các con là họa sĩ Huyền Lam, Lâm Huỳnh Sơn, Lâm Lan và nghệ nhân Huyền Ly bắt tay vào việc phục chế tranh Đám rước. Đầu tiên, họ tháo gỡ bức tranh ra khỏi khung. Tiếp đến, mọi người gò lưng ngồi tỉ mẩm tẩy lớp bụi khói ra khỏi bề mặt bức tranh. Họ dùng nước sạch và giấy nhám nhục xoa nhẹ trên mặt tranh cho tới khi thấy màu son nguyên bản của bức tranh hiện lên. Công đoạn hom và đắp những chỗ sơn bị ăn mòn hoặc trầy xước, bong tróc là xem chỗ nào bị ăn mòn bởi oxy hóa thì dùng sơn đúng như bản gốc đắp lại đúng vị trí và cao độ rồi phủ, mài. Việc đánh bóng bằng tay với bụi tro, chu, họ lấy lá tranh khô đốt thành tro rồi bỏ vào một miếng vải nhỏ, mịn, buộc túm lại. Rồi họ nhẹ nhàng vỗ túi than trên mặt tranh để bụi than bung ra thật mịn trên chỗ cần đánh bóng. Sau đó dùng lòng bàn tay đã thấm nước xoa nhẹ và đều lên mặt tranh cho đến khi màu tranh tươi lên và bóng. Cuối cùng mọi người lắp ghép lại bức tranh vào đúng vị trí trên khung gỗ. Làm công việc này ròng rã hết 1 tháng. Nói thì đơn giản nhưng nếu người phục chế không hiểu, không giỏi thì sẽ làm hư hoặc làm lệch màu sắc, nét vẽ... của bức tranh.
Ngày 4-11 vừa qua, Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TPHCM chính thức giới thiệu Đám rước được phục chế thành công. Ông Fabrice Mauriès hứng khởi: “Họa sĩ Nguyễn Lâm đã thực hiện tốt công việc khó khăn vừa của một người thợ giỏi, vừa của một nghệ sĩ tài hoa”. Còn họa sĩ Nguyễn Lâm tâm sự: “Tôi rất hạnh phúc và hãnh diện được giao công trình này, sau một quá trình tìm kiếm cẩn trọng của người Pháp về một giải pháp tối ưu cho việc phục chế một tác phẩm sơn mài khổ lớn và đã được thực hiện từ năm 1939 bởi họa sĩ bậc thầy về sơn mài là Nguyễn Gia Trí. Đây là một tác phẩm sơn mài được thực hiện theo phương pháp truyền thống nên không có gì mới so với những tiến bộ của kỹ thuật vẽ tranh sơn mài của Việt Nam ngày nay. Nhưng tôi vẫn luôn có cảm giác hứng thú như được sống trong không khí sáng tác tại xưởng vẽ của danh họa thuở nào”.
Các tác phẩm sơn mài của danh họa Nguyễn Gia Trí hiện còn rất ít ở Việt Nam. Việc phục chế thành công bức Đám rước 74 tuổi này là một thành công lớn. Công việc này đã gây xôn xao trong làng mỹ thuật TPHCM suốt thời gian qua. Ông Fabrice Mauriès khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các bảo tàng ở TPHCM để thẩm định giá trị nghệ thuật bức tranh Đám rước của họa sĩ đại tài Nguyễn Gia Trí. Hy vọng công việc được tiến hành trước khi tôi kết thúc nhiệm kỳ”.
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG