Quyết định khởi nghĩa toàn Nam bộ
Theo giới thiệu của Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân Túc - Phan Thị Dòn, chúng tôi tìm đến nhà ông Tám Sám (Nguyễn Văn Sám), con ông Bảy Lêm - một cơ sở cách mạng trước và trong Cách mạng Tháng Tám (CMT8) của vùng Chợ Đệm (gồm thị trấn Tân Túc, xã Tân Kiên, Tân Nhựt, An Phú Tây ngày nay). “Vùng Chợ Đệm này đã đi vào lịch sử khi Xứ ủy Nam Kỳ chọn nơi đây làm địa điểm tổ chức các hội nghị để quyết định thời điểm khởi nghĩa tại khu vực Nam bộ, góp phần vào sự thành công của CMT8. Tôi được nghe ba má tôi kể nhiều lần về những căn nhà trong vùng nuôi giấu cán bộ, tiếp đón các đồng chí lãnh đạo từ nhiều nơi về họp Xứ ủy Nam kỳ”, ông Tám Sám nhớ lại.
Tháng 8-1945, thời cơ cách mạng trong cả nước đã đến. Cùng với Quốc dân Đại hội Tân Trào (Tuyên Quang), từ ngày 2 đến 23-8, tại Chợ Đệm, Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu đã chủ trì rất nhiều cuộc họp để truyền đạt thông tin tình hình diễn biến trên thế giới và trong nước đến cán bộ, nhân dân trong vùng. Từ đó, đề ra phương án, hành động cụ thể lãnh đạo nhân dân Nam bộ chuẩn bị khởi nghĩa. Sau khi nhận được thông tin Tổng khởi nghĩa từ Tân Trào, Xứ ủy Nam Kỳ đã 3 lần tổ chức hội nghị vào các ngày 17, 20 và 23-8 để chọn thời điểm khởi nghĩa. Các hội nghị này diễn ra tại nhiều địa điểm dọc theo con sông Chợ Đệm nên trong nhiều tư liệu lịch sử gọi là “Hội nghị Chợ Đệm”. Do thời cơ chưa đến nên phải đến hội nghị lần thứ ba diễn ra vào rạng sáng 23-8, Xứ ủy Nam kỳ mới quyết định khởi nghĩa, bắt đầu ở Sài Gòn và các địa phương vùng lục tỉnh Nam kỳ. Chỉ sau 1 ngày lệnh khởi nghĩa được phát ra, nhiều địa phương ở Nam bộ đã khởi nghĩa thành công, giành chính quyền về tay nhân dân…
Đô thị hiện đại trên vùng đất lịch sử
Nói về cuộc sống hôm nay trên vùng đất lịch sử xưa, ông Tám Sám hồ hởi hẳn lên. “Giờ cuộc sống của bà con vùng Chợ Đệm này sướng quá rồi, không còn căn nhà lá nào, đi đâu cũng nghe người dân bàn chuyện cất nhà lầu, bỏ vốn làm ăn vào chỗ này, chỗ kia, rồi chương trình xây dựng nông thôn mới đưa đường giao thông, trường học, trạm y tế, công trình phúc lợi về từng khu xóm, không còn cảnh lầy lội, ngập lụt, khó khăn trăm bề như trước nữa…”, ông Tám Sám dẫn chứng. Anh Tạ Đức Diễn, cán bộ Đảng ủy thị trấn Tân Túc, tiếp lời ông Tám Sám: “Đời sống của người dân Chợ Đệm - Bình Chánh đang đổi thay từng ngày. Giờ cả thị trấn còn chừng hơn 30 hộ nghèo theo tiêu chí mới, vài năm nữa sẽ xóa hết. Khu vực trung tâm thị trấn trước kia là sình lầy, lau sậy, ao tù, giờ mọc lên khu hành chính huyện và những tuyến đường, dãy phố khang trang, đã tạo bộ mặt đô thị hiện đại trên vùng đất truyền thống cách mạng xưa”.
Theo Bí thư Đảng ủy Phan Thị Dòn, trên địa bàn hiện có hơn 10 dự án phát triển đô thị và giao thông, với giá trị đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, đặc biệt có các dự án mở rộng quốc lộ 1A, nạo vét Rạch Bàu Môn, Trạm Y tế thị trấn và các dự án nhà ở Tây Sài Gòn, Hưng Phú, Phú Mỹ…, đã tạo bộ mặt đô thị mới, góp phần đưa huyện Bình Chánh phát triển theo hướng hiện đại. Về sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn thị trấn hiện còn gần 200ha đất nông nghiệp đang được đầu tư, phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt công nghệ cao, làm tăng giá trị sử dụng đất và mang lại cuộc sống khang trang, khá giả cho nhiều hộ dân. Phần lớn các tuyến đường liên khu trong thị trấn đã được mở rộng, trải nhựa hoặc bê tông hóa, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân.
Trong định hướng phát triển, thị trấn Tân Túc chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp và trở thành khu đô thị mới, khu trung tâm hành chính, kinh tế, trung tâm văn hóa - xã hội của huyện Bình Chánh. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng được quy hoạch đồng bộ: mở rộng đấu nối giao thông của thị trấn vào hệ thống đường trục quốc gia (đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, quốc lộ 1A); cụm 3 trường học, bệnh viện, nhiều dự án nhà ở; hệ thống cấp - thoát nước, các công trình phúc lợi công cộng... Qua đó, tạo tiền đề thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng một đô thị hiện đại phía Tây Nam của TPHCM.