Ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), cho hay, hiện nay, số lượng DN nội địa thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của ngành điện tử đã và đang là nhà cung cấp cho các DN FDI không nhiều. Do đó, việc kết nối giữa các DN FDI với DN nội địa là hết sức cần thiết.
Theo thống kê từ Bộ Công thương, tổng số DN công nghiệp điện tử hiện đang tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 661 DN (trong đó, 591 DN sản xuất linh kiện điện tử, 56 DN sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi, 14 DN sản xuất băng, đĩa từ và quang học).
TPHCM với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, nơi tập trung nhiều DN điện tử, thời gian qua cũng đã có những giải pháp hỗ trợ tích cực để các DN công nghiệp điện tử phát triển. Theo báo cáo từ Sở Công thương TPHCM, chỉ số sản xuất 7 tháng ngành sản xuất hàng điện tử của thành phố tiếp tục tăng khá 12,76% (cùng kỳ tăng 11,21%) do thị trường tiêu thụ ổn định và được quan tâm đầu tư phát triển, thông qua việc tiếp thu trình độ khoa học kỹ thuật cao về sử dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử... Kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 7 tháng ước đạt 5,03 tỷ USD, tăng 9,2%.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất hàng điện tử trong những tháng cuối năm 2018 và những năm tiếp theo, Sở Công thương sẽ tham mưu UBND thành phố tập trung vào các giải pháp tổ chức kết nối và hỗ trợ các DN trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng và các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Mục đích giúp DN khai thác hiệu quả quá trình hội nhập, đặc biệt là các tập đoàn lớn đang đầu tư tại TPHCM, như Samsung.
Cũng theo ông Phạm Thành Kiên, hiện nhu cầu cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nội địa cho các DN FDI đầu cuối rất lớn. Chỉ tính riêng Samsung, theo kế hoạch đến năm 2020, tập đoàn này cần đến 500 DN cung ứng sản phẩm. Tuy nhiên, hiện số lượng DN cung ứng được chỉ trên dưới 50 DN. Trong đó, gần 30 DN đạt nhà cung ứng cấp 1. Do vậy, để có thể gia tăng số lượng DN nội địa nói chung và DN TPHCM nói riêng tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (Sở Công thương) đang phối hợp Tập đoàn Samsung đưa các chuyên gia đến hỗ trợ DN cải thiện hiệu suất sản xuất.
Đến nay, nhiều DN đã thực hiện tốt quy trình sản xuất theo phương pháp Kaizen và 5S. Qua đó, giảm thiểu giá trị hàng tồn kho, rút ngắn thời gian thay khuôn, tiết kiệm được chi phí hàng tỷ đồng; đồng thời, năng suất và chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên.
Dự kiến trong tháng 9 và tháng 10-2018, Sở Công thương tổ chức các hoạt động kết nối giữa DN trong nước với DN FDI thông qua chuỗi sự kiện “Ngày hội tìm kiếm nhà cung ứng công nghiệp hỗ trợ lần 2-2018”.