Tăng giá trị từ đổi mới sáng tạo

Tháng 10-2018, tại Trung tâm Công nghệ Trường Đại học Cornell ở New York (Mỹ), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) kết hợp với Cornell và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 (GII 2018). Theo đó, Việt Nam đã tiếp tục cải thiện vị trí trong xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc, lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng. 

Liên tục vận động

Thống kê mới nhất của tạp chí Echelon (Singapore), tạp chí online lớn về khởi nghiệp ở Đông Nam Á, Việt Nam hiện có trên 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup).

Trong đó, có trên 40% số startup ở TPHCM chủ động tham gia vào các hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp TPHCM do thành phố có môi trường thuận lợi để khởi nghiệp.

Tăng giá trị từ đổi mới sáng tạo ảnh 1 Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo luôn gắn chặt với giải pháp công nghệ cần thiết như cánh tay robot phục vụ phẫu thuật
Theo số liệu mới nhất từ Diễn đàn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2018, hiện 70% dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam có yếu tố nước ngoài; 39/40 quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam là của nhà đầu tư nước ngoài.

Dù vậy, không có sự phân biệt các dự án startup ở Việt Nam hay nước ngoài. Quan trọng nhất là các startup cần tìm thấy cơ hội từ những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam gặp phải trong quá trình chuyển đổi và đang tăng trưởng tiếp tục minh chứng cho sự chuyển dịch về hướng đổi mới sáng tạo.

Ông Sacha Wunsch-Vincent, chuyên gia cao cấp của WIPO, tham gia nhóm nghiên cứu GII, nhận xét: “Việt Nam nổi lên như một quốc gia có hiệu quả đặc biệt về đổi mới sáng tạo, trở thành hình mẫu về đổi mới công nghệ cho nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp noi theo...”.

Theo TS Phạm Hồng Quất, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ (KH-CN), Bộ KH-CN, chính sách tiến bộ nhất là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ được ban hành.

Theo luật này, các quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dễ dàng hơn. Quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các thủ tục hành chính cũng lược đi nhiều bước.

Bộ KH-CN cũng đã trình Chính phủ báo cáo giải pháp thu hút đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong và ngoài nước; xây dựng các quy định về hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư khởi nghiệp sáng tạo từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp... cùng nhiều hoạt động hỗ trợ, đào tạo kỹ năng để startup Việt vươn ra thị trường.

Hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Với TPHCM, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được xác định là một trong những nhiệm vụ lớn. Đã có rất nhiều hoạt động, chương trình cho đổi mới sáng tạo. Mới nhất là Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM năm 2018.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, cho biết: TPHCM đã xác định mô hình phát triển kinh tế bền vững theo hướng kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của thành phố trong thời gian qua đã góp phần hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại thành phố, tạo sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp đến cộng đồng xã hội và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Tăng giá trị từ đổi mới sáng tạo ảnh 2 Trình diễn máy công cụ phục vụ sản xuất
“Doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là đối tượng quan trọng của nền kinh tế, là động lực cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Không chỉ hỗ trợ, đồng hành, chăm lo phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo môi trường để có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ cũng đưa ra các định hướng, chính sách thúc đẩy, kết nối với cộng đồng quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy vốn, tri thức, công nghệ được liên tục và hiệu quả”. 
CHU NGỌC ANH - Bộ trưởng Bộ khoa học - Công nghệ 

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, thời gian qua sở đã liên tục hỗ trợ hình thành không gian hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp theo hình thức hợp tác công tư (PPP), xây dựng cơ sở dữ liệu về các phòng thí nghiệm, năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH-CN, chuyên gia…; xây dựng quy định nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất của các tổ chức hoạt động KH-CN được đầu tư từ ngân sách sự nghiệp KH-CN thành phố; phối hợp với Bộ KH-CN xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tập trung nghiên cứu KH-CN trong các lĩnh vực: xây dựng đô thị thông minh, dữ liệu (Big data), ứng dụng và phát triển công nghệ vi mạch, công nghệ CNC, công nghệ in 3D, ứng dụng tế bào gốc trong y học… để hướng đến thị trường và mục tiêu phát triển thành phố, tạo nên những giá trị từ đổi mới sáng tạo.

TPHCM có nhiều chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Thành phố đã chi khoảng 90 triệu USD ngân sách cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Theo báo cáo của Sở KH-CN TPHCM, trong hơn 2 năm, thành phố đã có hơn 20 đối tác nước ngoài liên kết hỗ trợ, 24 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 12 không gian khởi nghiệp... và hơn 760 startup hình thành. Các startup vẫn tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin - viễn thông, nông nghiệp, giáo dục - đào tạo… và hầu hết mới thành lập trên dưới 1 năm, đang trong giai đoạn đánh giá thị trường.

Tin cùng chuyên mục