Cụ thể, Việt Nam hiện đang là nước nuôi trồng nông thủy hải sản và sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm thuộc tốp đầu thế giới. Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam không những cung ứng đủ cho thị trường mà còn dư để xuất khẩu. Nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng tốp đầu thế giới như gạo, một số nông thủy sản và đang phát triển khá tốt các ngành công nghiệp nhẹ như đường, sữa, dầu ăn…
Ở góc độ nhà phân phối, qua làm việc, Bộ Công thương cho biết, các đơn vị cũng đã lên kế hoạch chủ động nguồn cung trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp và nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Qua cập nhật báo cáo cho thấy, hiện Saigon Co.op đã tăng 50% - 100% lượng hàng cung ứng cho hệ thống. Cùng với đó, các mặt hàng rau củ quả, gạo, mì, thịt, gia vị, dầu ăn… liên tục bổ sung lên quầy kệ với giá bán ổn định, thậm chí giảm giá, để người tiêu dùng yên tâm. Còn với hệ thống siêu thị BigC, đơn vị này cũng đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho. Các siêu thị Vinmart, Lotte Mart, MM Megamarket… cũng cho biết, nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu trong hệ thống vẫn được bảo đảm giá ổn định và có nguồn hàng dự trữ từ các tỉnh thành khác.
Theo số liệu tổng hợp từ các bộ ngành và hiệp hội ngành hàng, nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu trên cả nước năm 2020 sẽ rất dồi dào. Trong đó, mặt hàng lương thực, sản lượng thóc đạt 43,3 triệu tấn (tương đương 26 triệu tấn gạo); thịt gia súc, gia cầm đạt 5,5 - 5,8 triệu tấn; thủy hải sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn. Riêng mặt hàng rau quả, sản lượng dự kiến đạt 17,18 triệu tấn và tổng sản xuất các loại rau củ quả đạt khoảng 40 - 50 triệu tấn. Những mặt hàng khác như dầu ăn, đường, giấy vệ sinh, thuốc… cũng được dự trữ không những đủ cho cung ứng trong nước mà còn đảm bảo xuất khẩu.
Doanh nghiệp tìm nguồn cung ứng nguyên liệu Để giảm ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đang liên kết với nhau để hỗ trợ nguồn cung nguyên liệu sản xuất, giảm áp lực phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu. |