Tăng sức đề kháng với thông tin thất thiệt

Những ngày qua, trong khi toàn bộ hệ thống chính trị, các ngành chuyên môn và nhân dân cả nước khẩn trương dồn sức phòng chống dịch nCoV, lại có những kẻ hả hê tung tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh, gieo rắc tâm lý lo lắng, hoang mang, bất mãn trong nhân dân. 

Trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những tin giả bịa đặt về địa phương bị lây nhiễm; kích động tâm lý và thái độ kỳ thị; xuyên tạc các giải pháp ứng phó dịch... Mới đây, có kẻ xấu còn tung tin giả bằng việc phát tán đoạn ghi âm bịa đặt về việc chỉ riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã có đến 33 người chết vì dịch nCoV nhưng thông tin bị bưng bít; đồng thời khuyên người dân nên lo tích trữ lương thực, thực phẩm vì dịch bệnh đã bùng phát, sẽ khan hiếm. Người tỉnh táo, có theo dõi thông tin sẽ nhận biết ngay đây là tin giả, vì nguồn cung cấp vô danh, nội dung vô căn cứ, và cũng nhận ra ngay ý đồ của tin giả này là gây tâm lý ngờ vực chính quyền, hòng tạo tâm lý bất an trong nhân dân, dẫn đến hỗn loạn xã hội. 

Nếu chỉ riêng Bệnh viện Chợ Rẫy đã có đến 33 người chết vì dịch bệnh nCoV, thì chính quyền bưng bít để làm gì, cũng không thể và không nên bưng bít. Việc cần hơn chính là cảnh báo để tập trung dập ổ dịch và để người dân cảnh giác phòng tránh lây nhiễm. 

Những người đã chia sẻ, phát tán tin giả là ai? Thứ nhất, là những người nhiều chuyện, cứ thấy tin gì “giật gân” là chia sẻ, vừa thể hiện sự “hồn nhiên” lan truyền tin đồn mà không kiểm chứng, vừa thể hiện sự yếu kém về kiến thức của mình. Thứ hai, là những người muốn thu hút sự chú ý của cộng đồng đối với mình; có cả một vài người trong giới showbiz đã nổi tiếng rồi nhưng cũng muốn nhân đây để đánh bóng tên tuổi. Thứ ba, là những người đăng tin “giật gân” nhằm thu hút nhiều người đến trang Facebook cá nhân của mình để... bán được hàng trên mạng. Và thứ tư, nguy hiểm nhất, là dạng đăng tin giả nhằm mưu đồ chính trị, tạo sự bất an trong dư luận xã hội, gây tâm lý bất mãn chính quyền.

Không ít người dùng mạng xã hội thiếu kỹ năng chọn lọc thông tin, hứng thú với những thông tin giật gân, vô tư chia sẻ thông tin không cần kiểm chứng hoặc những kẻ có âm mưu gây bất ổn xã hội dễ dàng lợi dụng mạng xã hội để thực hiện mưu đồ. Qua đó cho thấy trong tình hình hiện nay, mọi người không chỉ quan tâm tăng sức đề kháng với virus nCoV, mà cũng cần tăng sức đề kháng với những thông tin thất thiệt, bằng cách biết sàng lọc thông tin, chỉ tiếp nhận nguồn thông tin đáng tin cậy, biết tỉnh táo suy luận, kiểm chứng. 

Việc Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (thuộc Bộ Y tế) liên tục gửi đến người tham gia Zalo bản tin “Virus nCoV - Cập nhật mới nhất”, là cách cung cấp thông tin chính thức và minh bạch thông tin rất hiệu quả. Việc công an các địa phương quyết liệt truy đến nơi đến chốn, xử phạt nghiêm những chủ tài khoản Facebook bịa đặt, tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận về tình hình dịch nCoV là giải pháp ứng phó cần thiết. Cách Bệnh viện Chợ Rẫy ứng phó với thông tin thất thiệt cũng đã rất kịp thời, hiệu quả. Lãnh đạo bệnh viện công bố ngay thông tin cho thấy đó là tin bịa đặt, các bác sĩ ở bệnh viện cũng post lên Facebook cá nhân phản bác tin bịa đặt. Đó là “phác đồ điều trị” rất thích hợp để đẩy lùi “dịch” thông tin thất thiệt, giúp tăng sức đề kháng cho cộng đồng với những tin giả về tình hình dịch nCoV. 

Tuy nhiên những kẻ xấu vẫn đang rình rập lợi dụng những sự cố trong đời sống chính trị - xã hội để bịa đặt, tráo trở, xuyên tạc sự thật, nhằm qua mặt, lừa bịp người dân. Vì vậy, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng, luôn tỉnh táo, tăng sức đề kháng với thông tin thất thiệt, là công việc quan trọng và thường xuyên của các cơ quan chức năng và của mỗi người. 

Tin cùng chuyên mục