Tăng tốc giành ảnh hưởng tại Bắc cực

Theo tạp chí Politico (Mỹ), trong 2 thập kỷ qua, Nga đã thống trị cuộc chiến giành Bắc cực, trong khi Mỹ đang bị “bỏ lại” trong một môi trường mà họ có ít kinh nghiệm và năng lực.
Máy bay vận tải Nga Ilyushin Il-76 thực hiện nhiệm vụ tại Bắc cực
Máy bay vận tải Nga Ilyushin Il-76 thực hiện nhiệm vụ tại Bắc cực

Nga chiếm ưu thế

Politico cho biết, trong thời gian dài, Nga đã xây dựng hạm đội tàu phá băng, tàu chiến và tàu ngầm hạt nhân, phát triển thêm các hoạt động khai thác mỏ và giếng dầu dọc theo hơn 24.000km bờ biển Bắc cực. Theo ông Goran Swistek, chuyên gia an ninh quốc tế tại Viện Các vấn đề an ninh quốc tế Đức, Bắc cực không nằm trong chương trình nghị sự của phương Tây kể từ khi Liên Xô không còn và khu vực này một lần nữa trở thành tiền tuyến mới, nơi mà Nga cảm thấy dễ bị tổn thương.

Tổng thống Vladimir Putin từng nói rằng khu vực này là “nơi tập trung gần như tất cả các khía cạnh của an ninh quốc gia, từ quân sự, chính trị đến kinh tế, công nghệ, môi trường và tài nguyên” của Nga. Khoảng 2,4 triệu người Nga sống ở Bắc cực, nghĩa là công dân Nga chiếm hơn một nửa dân số toàn cầu tại Bắc cực. Đường bờ biển của Nga chiếm 53% đường bờ biển Bắc Băng Dương. 10% GDP quốc gia và 20% xuất khẩu của Nga nằm trong vùng Bắc cực. Ngày nay, việc kiểm soát Bắc cực với Nga mang tính cấp bách mới khi 60% cơ sở hạ tầng dân sự và lĩnh vực năng lượng của nước này bị đe dọa trước sự tan băng vĩnh cửu. Vì vậy, Nga đang cố gắng định hình lại khu vực theo hướng có lợi cho an ninh quốc gia.

Mỹ và phương Tây chạy đua

Bắc cực đang nhanh chóng trở thành trung tâm của một cuộc xung đột mới mặc dù kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, nơi này gần như không còn xung đột địa chính trị. Biển băng rộng lớn bao phủ Bắc Băng Dương đang tan chảy nhanh chóng do biến đổi khí hậu - mất 13% mỗi thập kỷ - tốc độ mà các chuyên gia cho rằng có thể khiến Bắc cực không còn băng vào mùa hè sau năm 2035. Hiện tại, quá trình tan băng đã tạo ra các tuyến đường vận chuyển mới, mở ra các tuyến đường theo mùa trong năm và mang lại nhiều cơ hội hơn cho việc khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Các quốc gia đang tranh giành quyền kiểm soát quân sự và thương mại đối với vùng lãnh thổ mới tiếp cận này tạo sự cạnh tranh gay gắt hơn, nhất là kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine. Na Uy đã dành các nguồn lực mới để giám sát dưới nước, giám sát các tuyến đường vận chuyển trên không và chia sẻ thông tin tình báo với các quốc gia Bắc cực khác như Thụy Điển. Đã có 8 quốc gia có lãnh thổ ở Bắc cực thành lập Hội đồng Bắc cực, nơi họ đồng ý với các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và tập hợp công nghệ, tiền bạc để khai thác tài nguyên thiên nhiên chung trong khu vực.

Không muốn đứng ngoài cuộc, Chính phủ và quân đội Mỹ gần đây đã ban hành chiến lược quốc gia cho vùng Bắc cực cùng với đó là báo cáo về tác động của biến đổi khí hậu đến các căn cứ quân sự của Mỹ. Washington cũng đã mở lãnh sự quán ở Nuuk, Greenland, và trong năm nay bổ nhiệm một đại sứ lưu động cho khu vực Bắc cực trong Bộ Ngoại giao, một phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về khả năng phục hồi toàn cầu và Bắc cực. Các đồng minh châu Âu của Mỹ cũng đang xem xét lại an ninh nội địa, tăng ngân sách quốc phòng và an ninh xung quanh cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng ở Bắc cực khi họ đặt mục tiêu tăng cường khả năng phòng thủ và ít phụ thuộc hơn vào sự trợ giúp của Mỹ.

Tin cùng chuyên mục