Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm Tân Mão, trên các công trình xây dựng cầu Rạch Chiếc, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài và hàng loạt công trình chống ngập gương mặt những công nhân, kỹ sư bóng loáng mồ hôi, tràn đầy niềm vui lao động, quyết tâm bảo đảm tiến độ xây dựng các công trình quan trọng của TPHCM.
Giục giã, khẩn trương
Đại lộ Đông Tây thênh thang chạy xuyên TPHCM với hầm chui qua sông đầu tiên ở Đông Nam Á vừa được đưa vào sử dụng cuối năm 2011. Để đại lộ này phát huy hết năng lực lưu thông, hàng trăm công nhân và kỹ sư đang hối hả tráng bê tông nhựa trên công trình mở rộng xa lộ Hà Nội. Xe chở bê tông nhựa nóng ầm ào lao tới. Khói nhựa đường hăng hắc và hầm hập hơi nóng phả vào mặt người, những giọt mồ hôi rơi trong đêm se lạnh. Ngay giữa cung đường này, hàng chục kỹ sư và công nhân đang thi công cầu Rạch Chiếc. Đứng trên cầu này nhìn về phía quận 2, không khí lao động khẩn trương bao trùm cả một đoạn sông. Hàng chục công nhân và kỹ sư tất bật cắt hàn những thanh sắt, máy khoan nhồi làm việc liên tục để công trình đạt tiến độ.
Tại công trường đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, hàng trăm công nhân chia thành nhiều đội thi công… Đại diện chủ đầu tư, ông Myung Soo Huh, Giám đốc điều hành Công ty GS Engineering & Construction Corp (GS E&C), cho biết: Đơn vị thi công đã triển khai xây dựng trên tổng chiều dài khoảng 10km. Các hạng mục đang được thực hiện như làm đường, hệ thống thoát nước, thi công các cầu Rạch Lăng, Bình Lợi, Gò Dưa. Đến thời điểm này, nhà thầu đã hoàn thiện trên 50% khối lượng dự án.
Cầu Rạch Chiếc mới không chỉ tạo cửa ngõ thông thoáng mà còn mở cửa cho kinh tế - xã hội TP phát triển về phía Đông Bắc với các cơ sở đang hình thành, phát triển như khu công nghiệp, khu chế xuất Linh Xuân, Linh Trung. Để cầu Rạch Chiếc mới và xa lộ Hà Nội mở rộng phát huy tác dụng và tạo đà phát triển mạnh mẽ hơn nữa cụm cảng, Khu công nghiệp Cát Lái…, thời gian qua, UBND TP chỉ đạo quyết liệt các đơn vị đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cải tạo, mở rộng liên tỉnh lộ 25B.
Kết nối liên hoàn
Việc sớm hoàn thành mở rộng liên tỉnh lộ 25B cũng nhằm tạo sự liền lạc, nối kết hệ thống trục - vành đai đại lộ Nguyễn Văn Linh - cầu Phú Mỹ - đại lộ Đông Tây - cầu Rạch Chiếc - xa lộ Hà Nội. Công trình này khi hoàn thành, đưa vào khai thác không chỉ tạo sự đồng bộ về giao thông, góp phần giảm tải ùn tắc, tai nạn giao thông mà còn tạo cơ hội phát triển, mở mang đô thị trên địa bàn các quận 2, 9 và Thủ Đức.
Để giao thông được kết nối liên hoàn với các trục đường trên, dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài cũng được xem là dự án trọng điểm của TPHCM. Trong đó, cầu Bình Lợi nối đôi bờ sông Sài Gòn giữa quận Thủ Đức và Bình Thạnh đã thành hình. Đây là hạng mục quan trọng của dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho biết, cầu Bình Lợi khi hoàn thành sẽ cùng các cầu Thủ Thiêm, Sài Gòn, Bình Triệu đảm nhận phần lớn lượng xe lưu thông từ khu vực trung tâm qua sông Sài Gòn. Trong đó, cầu Bình Lợi được dự kiến tải đến 40% lưu lượng xe nên sẽ giữ vai trò rất quan trọng trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ Đông Bắc TP.
Chủ tịch Lê Hoàng Quân nhấn mạnh, hạng mục nào thuộc dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài xong, phải đưa ngay vào sử dụng để giải tỏa tình trạng ùn tắc, kẹt xe ở cửa ngõ Đông Bắc TP. Tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài tại TPHCM là một phần của đường Vành đai số 1 và là một trong 4 đường vành đai theo quy hoạch giao thông của TPHCM đến năm 2020. Ngoài ra, UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kết nối dự án này với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến đường Vành đai 2 để tạo mạch giao thông liên hoàn nhằm giảm tải tình trạng kẹt xe ở khu vực phía Đông TPHCM.
Quốc Hùng - Thái Bình