Tạo không gian và động lực mới cho tăng trưởng kinh tế

Theo các chuyên gia, bước sang năm 2023, mặc dù dự báo vẫn còn rất nhiều thách thức, nhưng cơ hội và dư địa cho hàng hóa xuất khẩu của chúng ta còn rất lớn.

Năm 2022, kinh tế Việt Nam phục hồi rất tích cực, tăng trưởng kinh tế đạt 8,02% - cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Đồng thời, Việt Nam đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Nếu thực sự có giải pháp để “hóa giải” thách thức thì triển vọng kinh tế năm 2023 của Việt Nam vẫn sáng sủa.

Gỡ “lưới” pháp lý cho doanh nghiệp lớn mạnh

“Việc làm ăn của doanh nghiệp (DN) ngày càng khó khăn, thậm chí khó hơn cả giai đoạn khủng hoảng 10 năm trước”, TS Nguyễn Đình Cung (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên. Trong rất nhiều nguyên nhân, ông Nguyễn Đình Cung lưu ý, tiến độ cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đang chững lại. Theo ông, chưa nói đến quá trình thực thi chính sách - vốn còn phức tạp hơn nhiều lần - thì bản thân quá trình thiết kế, ban hành khuôn khổ pháp luật cũng còn nhiều khiếm khuyết cần sớm khắc phục.

Cán bộ hải quan kiểm tra thực địa và làm thủ tục thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp

Cán bộ hải quan kiểm tra thực địa và làm thủ tục thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp

Có không ít ví dụ chứng minh quan điểm này. Chẳng hạn, theo chuyên gia pháp lý Nguyễn Minh Đức (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), trong bối cảnh DN đang rất cần vốn kinh doanh thì Luật Đất đai hiện hành (và cả dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến) vẫn duy trì quy định cấm thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng nước ngoài. Chia sẻ phần nào với những lo ngại chính đáng của cơ quan quản lý khi đưa ra quy định này, nhưng ông Đức cho rằng thiết kế quy định vẫn chưa bảo đảm tối ưu, trong khi những lo ngại đó hoàn toàn có thể xử lý bằng các biện pháp khác mà không nhất thiết phải cấm thế chấp tại ngân hàng nước ngoài.

Một ví dụ khác là Luật Giá. Theo đó, với một số mặt hàng nhất định, DN phải giải trình các thể loại chi phí đầu vào khi kê khai, đăng ký giá với Nhà nước; và nếu bán vượt giá đăng ký thì hồ sơ sẽ không được chấp nhận. Quy định này được cho là không khuyến khích các DN có công nghệ tốt, quản trị tốt, biết tiết kiệm, đạt năng suất cao vì buộc phải bán với giá thấp. Những DN có công nghệ lạc hậu, quản lý kém, sử dụng nguồn lực lãng phí, năng suất thấp (dẫn đến giá thành sản phẩm cao) thì lại được bán với giá cao hơn. Vô hình trung, từ khóa “lợi nhuận hợp lý” đã “khóa” lại khả năng phát triển vượt trội của DN.

Ngay cả các DN nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh, khả năng quản trị DN tốt, cũng không phải không gặp khó khăn về pháp lý. Nêu kiến nghị với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc gặp gỡ đại diện các DN đầu tư nước ngoài được tổ chức gần đây, đại diện Bosch tại Việt Nam cho biết, Luật Đầu tư công nhận dự án đầu tư sản xuất của Bosch là “đầu tư mới”, nhưng Luật Thuế thu nhập DN lại xác định đây là “đầu tư mở rộng” và áp dụng một chương trình ưu đãi thuế kém hấp dẫn hơn, gây khó khăn cho cả DN lẫn cơ quan thuế trong việc thi hành và tuân thủ.

Một lo ngại khác được ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế (Bộ Tư pháp), ghi nhận là khá nhiều ý kiến DN bày tỏ lo ngại về xu hướng hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế. Chưa cần biết có sai phạm gì, chỉ cần thấy lực lượng chấp pháp mặc sắc phục đến làm việc là DN đã có thể bị mất bạn hàng, đơn hàng và thiệt hại không nhỏ.

Không phải ngẫu nhiên ngay sau lần đầu tiên được tổ chức mới đây (ngày 20-12-2022), Diễn đàn Kinh doanh và pháp luật đã được Bộ Tư pháp quyết định sẽ trở thành sự kiện thường niên. Thông tin tại diễn đàn cho thấy, riêng trong năm 2022, ngành tư pháp đã rà soát gần 22.000 văn bản liên quan đến hoạt động của DN, qua đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ gần 6.000 văn bản có sự chồng chéo, bất cập. Con số này một mặt cho thấy Chính phủ nói chung, Bộ Tư pháp nói riêng đã rất nỗ lực “dọn vườn” pháp luật, nhưng đồng thời cũng cho thấy “khu vườn” ấy vẫn còn bề bộn.

Kỷ lục xuất khẩu và thời cơ mới

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới rất khó khăn (nhất là xung đột Nga - Ukraine kéo dài cùng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga - quốc gia xuất khẩu nhiên liệu, lương thực và một số vật tư chiến lược lớn của thế giới; giá dầu thô và các nguyên vật liệu đầu vào, lạm phát tăng cao cùng chính sách thắt chặt tiền tệ…) nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu các loại hàng hóa của nước ta vẫn đạt 732 tỷ USD. Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đánh giá, đây là con số kỷ lục về xuất nhập khẩu của Việt Nam trong hơn 20 năm qua.

Theo các chuyên gia, bước sang năm 2023, mặc dù dự báo vẫn còn rất nhiều thách thức, nhưng cơ hội và dư địa cho hàng hóa xuất khẩu của chúng ta còn rất lớn. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2023, Bộ Công thương vẫn đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2022 và cán cân thương mại duy trì xuất siêu. Hiện Việt Nam đang tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… đang mở ra những khu vực thị trường mới với nhu cầu ngày càng lớn về hàng hóa của Việt Nam.

Chẳng hạn với thị trường CPTPP, theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), sau 3 năm Việt Nam tham gia và hiệp định được thực thi, hàng hóa Việt Nam đã tiếp cận được những thị trường mới, rất tiềm năng như Canada, Mexico, Peru…, với mức tăng trưởng ấn tượng so với trước khi có hiệp định này. Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường CPTPP đạt 45,7 tỷ USD (tăng 18,1% so với năm 2020) và chỉ trong 10 tháng năm 2022 đã đạt 45,1 tỷ USD (tăng 22,1% so với cùng kỳ).

Tại hội nghị tổng kết 2 năm thực thi EVFTA, Bộ Công thương cũng cho biết, đến nay đã có 40% DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào khu vực này tận dụng được ưu đãi về thuế suất mà các bên đã cam kết, nhờ vậy thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU một cách ngoạn mục. Tuy nhiên, tiềm năng vẫn còn rất lớn khi tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này hiện mới chỉ đáp ứng được 2% so với nhu cầu.

Còn theo Bộ NN-PTNT, việc Trung Quốc đã có thông báo mở cửa biên giới và gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch Covid-19 từ ngày 8-1-2023 không chỉ là thời cơ cho ngành hàng không và du lịch mà chắc chắn còn tái thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường 1,4 tỷ dân với nhu cầu rất lớn này.

Tạo động lực tăng trưởng cho hoạt động sản xuất kinh doanh

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá, năm 2022, kinh tế Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19 và phục hồi ngoạn mục đã khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng ta luôn ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn lên hàng đầu trong suốt quá trình phát triển. Tuy vậy, hiện nay, sự suy yếu nhanh chóng của tổng cầu thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp lên các đơn hàng sản xuất trong nước. Hệ lụy là ở một số lĩnh vực, người lao động đã bị mất việc làm. Cùng với đó, bối cảnh tình hình thế giới và khu vực năm 2023 cũng được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ suy thoái kinh tế tại các nước đối tác lớn của Việt Nam được dự báo là đáng kể.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần sử dụng linh hoạt các công cụ để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế nhằm hạn chế tối đa các rủi ro và bất ổn cho nền kinh tế. Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, thực trạng đó đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam nhận diện rõ; đồng thời kịp thời đưa ra nhiều chủ trương, đường lối quan trọng thông qua việc Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận.

Gần đây nhất là các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về quản lý và sử dụng đất; về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia. Hay các nghị quyết của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh 6 vùng kinh tế - xã hội; về phát triển bền vững đô thị; về hội nhập quốc tế… Thực hiện quyết liệt những chủ trương này sẽ mở đường cho việc ra đời các cơ chế, chính sách mới nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo không gian và động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới.

Tin cùng chuyên mục