Tại cuộc họp liên quan đến tình hình phát triển ngành chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống, Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM cho biết, ngành chế biến lương thực, thực phẩm và nước giải khát Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng trên 20%. Sự đổ bộ mạnh của doanh nghiệp ngoại trong thời gian gần đây đã chứng minh sức hấp dẫn rất lớn của thị trường ngành này tại Việt Nam.
Người tiêu dùng chọn mua trái cây các loại tại một siêu thị ở TPHCM
Thâu tóm thương hiệu Việt
Thời gian gần đây, tại thị trường Việt Nam xuất hiện nhiều thương hiệu chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống ngoại. Hình thức có mặt cũng rất đa dạng theo cách tự đầu tư hoặc mua lại những thương hiệu có tên tuổi và thị phần lớn tại nội địa.
Gần đây nhất, Tập đoàn CJ đã chính thức mua lại cổ phần của Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre. Hiện tập đoàn CJ đã nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 71,6%. Sau khi nắm được số lượng cổ phiếu chủ chốt, tập đoàn này đã công bố nâng mức đầu tư dự án nhà máy chế biến thực phẩm mới tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TPHCM) từ 500 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng. Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre tiền thân là Xí nghiệp Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre. Sản phẩm của công ty không chỉ phủ khắp thị trường trong nước mà còn xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu.
Ngoài ra, Tập đoàn CJ cũng đang nắm giữ 64,9% vốn của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt và 3,8% cổ phần tại Công ty Vissan. Hiện công ty cũng đang tìm cách nâng tỷ lệ sở hữu mức sở hữu cổ phần Vissan.
Trước đó, ngành chế biến lương thực, thực phẩm đã chứng kiến hàng loạt vụ mua bán và sáp nhập của các doanh nghiệp nước ngoài với nhiều công ty chế biến lương thực, thực phẩm nổi tiếng của Việt Nam. Số liệu của Nielsen Việt Nam cho thấy, quy mô thị trường thực phẩm và đồ uống của Việt Nam được đánh giá vào khoảng hơn 30 tỷ USD/năm trong thời gian tới. Ngành chế biến thực phẩm và đồ uống, đóng góp 15% tổng GDP của cả nước và đang có xu hướng tăng lên.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết TPHCM nói riêng được xem là một trong những thị trường tiêu dùng nhiều tiềm năng của ngành chế biến thực phẩm, đồ uống (chiếm tỷ trọng giá trị sản xuất khoảng 18,5%). Thống kê từ các khu chế xuất - khu công nghiệp tại TP từ năm 2016 đến nay cho thấy, đầu tư vào ngành công nghiệp thực phẩm luôn tăng trên 2 con số. Cụ thể, năm 2016, tổng các dự án sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố là 1.371 dự án, với tổng vốn đầu tư 9.123 triệu USD; trong đó, đầu tư vào ngành thực phẩm chiếm 10,28%. Riêng với 8 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đầu tư thu hút (kể cả cấp mới và điều chỉnh vốn) đạt 384,32 triệu USD, tăng 39,36% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài đạt 159,98 triệu USD và dự án thuộc ngành thực phẩm chiếm đến 49,86%; vốn đầu tư trong nước đạt 224,34 triệu USD và dự án thuộc ngành thực phẩm chiếm 11,62%.
Nỗ lực tạo chỗ đứng cho doanh nghiệp nội
Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại TPHCM khẳng định, tiềm năng của ngành công nghiệp thực phẩm là rất lớn. Chỉ tính riêng sản phẩm thực phẩm mà doanh nghiệp Nhật Bản xuất khẩu vào thị trường Việt Nam đạt kim ngạch trung bình 7,5 tỷ USD/ năm. Hiện Jetro đang tiếp tục hỗ trợ các hệ thống Ministop, Aeon FamilyMart, đầu tư mở rộng hệ thống phân phối tại thị trường Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam cũng như doanh nghiệp sản xuất tại Nhật Bản xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.
Ở một khía cạnh khác, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM, cho biết thị trường ngành chế biến thực phẩm tại Việt Nam rất tiềm năng nhưng vị thế của các doanh nghiệp nội ngay tại sân nhà lại rất mờ nhạt. Những doanh nghiệp chế biến thực phẩm có thương hiệu lớn - vốn được xem là trụ cột thị trường, có vai trò dẫn dắt và liên kết doanh nghiệp nhỏ - đang mất dần vào tay những doanh nghiệp ngoại. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ lại chưa có khả năng chuyển đổi đủ để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như nắm giữ và trụ vững tại thị trường nội địa. Đây là điều rất đáng tiếc cho doanh nghiệp thuần Việt.
Ông Phạm Thành Kiên cũng nhấn mạnh, phần lớn doanh nghiệp chế biến thực phẩm có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, thiếu vốn và kinh nghiệm quản trị. Do vậy, từ đầu năm 2017, TPHCM đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp trong ngành theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến để cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao; giảm dần việc đầu tư theo chiều rộng, tập trung phát triển theo chiều sâu, tạo ra những sản phẩm tinh chế, có chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn. Doanh nghiệp nội cũng có khả năng vay vốn đến 200 tỷ đồng với mức lãi suất hỗ trợ trong thời gian lên đến 7 năm.
Với giải pháp hỗ trợ mở rộng thị trường, Sở Công thương TPHCM đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức nhiều đợt xúc tiến kết nối doanh nghiệp nội với doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực này.
Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 8, đã kết nối hợp tác cho hơn 500 doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước Hàn Quốc, Ba Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc… thuộc các lĩnh vực chế biến thực phẩm, nông sản.
Bà Lý Kim Chi chia sẻ, trong bối cảnh thị trường ngành chế biến lương thực thực phẩm đang cạnh tranh quyết liệt, những chính sách hỗ trợ không chỉ dừng lại khâu vốn, công nghệ mà còn toàn diện, đồng bộ chính sách về vốn, công nghệ và thị trường. Một vấn đề khác là nhanh chóng thiết lập rào cản kỹ thuật về tiêu chuẩn an toàn chất lượng sản phẩm để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn với doanh nghiệp trong nước.