Tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế là rất quan trọng. Tuy nhiên, để kinh tế phát triển bền vững, cần phải tận dụng thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển công nghiệp trong nước. Và để làm được điều đó, cần phải xây dựng nội lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ. 
Nhiều doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất đầu cuối tăng cường đầu tư tại thị trường Việt Nam
Nhiều doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất đầu cuối tăng cường đầu tư tại thị trường Việt Nam
Tăng số doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Thời gian qua, TPHCM đã tập trung triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm hỗ trợ phát triển. Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết về chính sách hỗ trợ vốn đầu tư, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 15 về chính sách hỗ trợ vốn doanh nghiệp công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất. Theo đó, mỗi doanh nghiệp có thể được hỗ trợ vốn vay đến mức 200 tỷ đồng/dự án. Song song đó, Sở Công thương đã làm việc với các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đầu cuối để tăng cường kết nối cung cầu cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước. Đặc biệt, nhằm giúp doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp trụ vững tại thị trường nội địa, sở đã làm việc với các tỉnh, rà soát nhu cầu sản phẩm tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, từ đó kết nối với những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phù hợp. 

Tính đến nay, đã có 3/11 dự án được duyệt hỗ trợ vốn đầu tư với tổng vốn trên 200 tỷ đồng, 7 hồ sơ đang trình UBND TP; xây dựng cơ sở dữ liệu cho 600 doanh nghiệp ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, tính cho đến hết năm 2017, đã có hơn 200 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, có 29 doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng cấp 1.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, hạn chế của doanh nghiệp trong nước nói chung là nguyên liệu sản xuất phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu. Cụ thể, trong cơ cấu hàng nhập khẩu năm 2017, những nhóm hàng cần thiết nhập khẩu để phục vụ sản xuất chiếm tỷ trọng 77% tổng kim ngạch. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu sản phẩm điện tử và linh kiện 8,7 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng 4,57 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu 1,8 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt may da giày 732,3 triệu USD, vải các loại 2,33 tỷ USD… 

An cư cho doanh nghiệp phát triển

Hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ phát triển là giải pháp bền vững nhằm cải thiện tình trạng phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trước thực tế đó, Sở Công thương đã và đang tham mưu UBND TPHCM triển khai một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, hoàn thành việc xây dựng và triển khai đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Trong đó tập trung xây dựng, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút và hỗ trợ đầu tư cho phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm giảm nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm gia công, lắp ráp. Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình truyền thông nhằm quảng bá, giới thiệu 38 sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của 30 doanh nghiệp trên các phương tiện truyền thông nhằm tập trung hỗ trợ phát triển thành các sản phẩm đặc trưng và doanh nghiệp chủ lực của thành phố cũng như làm cơ sở xây dựng, triển khai các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ. Tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp tích cực đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực trong sản xuất kinh doanh, góp phần sản xuất và quảng bá hình ảnh sản phẩm, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố.

Bên cạnh đó, sở đang xây dựng phương án thiết lập phân khu vệ tinh trong các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) dành cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhấn mạnh hiện nay quỹ đất công nghiệp tại 17 KCX, KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 3.791,84/5.921,15ha, chiếm 64,04% quy mô diện tích quy hoạch dự kiến dành cho các KCX, KCN tính đến năm 2020. Trong đó diện tích đất công nghiệp được phép cho thuê đạt 1.625,22/2.572,46ha với tỷ lệ lấp đầy chung của các khu đã đi vào hoạt động khoảng 70,44%. Tuy nhiên, các KCN hiện nay chủ yếu thu hút các doanh nghiệp lớn, nên quy hoạch KCN thường phân lô lớn (từ 5.000m2 đến vài hécta) hoặc khi đầu tư các phân khu với quy mô nhỏ thì chi phí đầu tư hạ tầng sẽ tăng cao, dẫn đến giá cho thuê đối với các lô nhỏ cao hơn so với mặt bằng chung. Trung bình giá thuê đất tại các KCN trên địa bàn thành phố ở mức hơn 100USD/m2, trong khi các tỉnh lân cận chỉ khoảng 50USD/m2. Thực tế này đã gây áp lực về vốn đầu tư cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ vốn có quy mô nhỏ và vừa, chỉ có khả năng thuê diện tích đất từ 500m2 - 5.000m2/doanh nghiệp, với giá thuê đề xuất khoảng 50-60USD/m2. 

Để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp về mặt bằng mở rộng sản xuất, Sở Công thương TPHCM đang nghiên cứu đề xuất giải pháp hỗ trợ tạo mặt bằng sản xuất với quy mô diện tích và giá thuê phù hợp. Cụ thể, lựa chọn quỹ đất từ 20 - 50ha trong một KCN, KCX để xây dựng 1 hoặc 2 phân khu công nghiệp hỗ trợ bằng nguồn vốn ngân sách. Sử dụng vốn ngân sách đầu tư xây dựng 1 KCN (hoặc cụm công nghiệp) trên cơ sở sử dụng quỹ đất nông nghiệp do Nhà nước quản lý. Theo đó, khi phân khu này hình thành sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất với quy mô diện tích và chi phí phù hợp, gắn kết với nhau và đặc biệt là liên kết với các doanh nghiệp sản xuất FDI và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối, từng bước hình thành mạng lưới sản xuất công nghiệp hỗ trợ của thành phố theo hướng phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục