Tạo “quả đấm thép” cho ĐBSCL

Lần đầu tiên, quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch, cụ thể hóa tầm nhìn dài hạn, tư duy phát triển thuận thiên theo Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Diện mạo tương lai của ĐBSCL được phác họa dựa trên 3 trụ cột bền vững “kinh tế, xã hội và môi trường”.

Bộ KH-ĐT, đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, đã chủ động phối hợp với các bộ ngành, địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng quy hoạch, tổ chức 17 cuộc hội thảo, 12 cuộc họp chính thức và hội nghị tham vấn…

Ứng phó với thiên tai bất thường thì con người cần cách tiếp cận mới, vừa chắc chắn, vừa linh hoạt, vừa đảm bảo yêu cầu của hiện tại, nhưng không làm tổn hại và đáp ứng nhu cầu của tương lai với nguyên tắc không hối tiếc.

Vấn đề cốt lõi của ĐBSCL vẫn là định vị lại vùng này, bố trí không gian và huy động các nguồn lực phát triển. 3 trụ cột phát triển phải được xây dựng trên nền tảng văn hóa bản địa, lấy yếu tố con người làm trung tâm, trở thành chìa khóa tăng trưởng. Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng một thời gian dài ĐBSCL phát triển phân tán, chủ yếu khai thác tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, làm sao để quy hoạch vùng ĐBSCL lần này tháo gỡ nút thắt phát triển? 

Cho nên, cần tập trung 3 nhóm giải pháp vượt điểm nghẽn, tạo chuyển biến. Một là, nội dung quy hoạch phải tạo được khung chính sách nhằm huy động tốt các nguồn lực thực thi; xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm phát triển, thu hút đầu tư, bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương trong vùng và khu vực khác.

Xây dựng các chương trình trọng điểm quốc gia cho vùng ĐBSCL để triển khai quy hoạch. Xây dựng cơ chế tài chính riêng cho vùng thông qua nguồn lực trong và ngoài nước; hoàn thiện thể chế về môi trường đầu tư nhằm thu hút đầu tư tư nhân là điều kiện cần để giải quyết điểm nghẽn về vốn. Hai là, bố trí không gian và nguồn lực cần ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, logistics, hạ tầng nông nghiệp và nguồn nhân lực.

Các đột phá này phải được ưu tiên trước để tạo nền tảng cho sự tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững cho cả thời kỳ quy hoạch. Ba là, hoạt động điều phối vùng, liên kết các tiểu vùng nên tập trung mạnh cho điều phối quy hoạch, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước và quyết định các dự án đầu tư có tính liên kết vùng theo quy mô, tính chất dự án. Cần tăng cường tính công khai, minh bạch, phát huy hoạt động tư vấn, phản biện khoa học.

Trước cơ hội và thách thức mới, ĐBSCL phải thay đổi mô hình phát triển theo hướng tập trung hơn; phát triển các trung tâm kinh tế, các đô thị động lực, tập trung nguồn lực để tạo các “quả đấm thép”. Đầu tư là giải pháp tối quan trọng trong giai đoạn đầu của quy hoạch vùng, nên cần tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, tạo ra các trục xương sống cho phát triển.

Yêu cầu đang đặt ra không chỉ nhận thức đúng về thời cơ và thách thức, định vị đúng vai trò, vị trí của vùng ĐBSCL trong tiến trình phát triển hay một bản quy hoạch đẹp… mà phụ thuộc vào hiệu quả của hành động. Mệnh lệnh từ thực tiễn đang đòi hỏi Nhà nước tăng kiến tạo, doanh nghiệp cần được phát huy để có nhiều hành động, người dân cần không gian đủ rộng để đổi mới, sáng tạo.

Tầm nhìn dài hạn trước thách thức, cạnh tranh, cho một ĐBSCL phát triển an toàn, trù phú và bền vững trong tương lai đòi hỏi quy hoạch vùng phải vượt qua các điểm nghẽn bằng cơ chế tài chính vượt trội, kiến tạo các hành động đột phá.

Tương lai của ĐBSCL ra sao còn phụ thuộc nhiều yếu tố nội tại, tác động bên ngoài, nhưng việc nhận ra diện mạo của vùng này trên cơ sở một bản quy hoạch khoa học, thực tiễn; xây dựng được các kịch bản phát triển khả thi, thích ứng trước những thay đổi và bố trí nguồn lực thực hiện là yêu cầu đầu tiên.

Tin cùng chuyên mục