Cải tiến chất lượng sản phẩm
Theo các chuyên gia, phát triển CNHT được coi là giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng nhập siêu của Việt Nam, cũng như tạo lực để thu hút đầu tư quốc tế. Do đó, cần tập trung nguồn lực hỗ trợ các DN CNHT nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, tạo đà cho DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đánh giá, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang gặp phải nhiều vấn đề như thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý yếu, sản phẩm chất lượng không cao và thiếu ổn định. Những nguyên nhân trên khiến các DN Nhật Bản gặp khó khăn hơn trong việc mở rộng mạng lưới của mình khi muốn mua các sản phẩm, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của đơn vị.
Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định, DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực CNHT, chủ yếu tham gia những công đoạn với công nghệ giản đơn, giá trị gia tăng thấp. Kết quả khảo sát của JETRO cũng cho thấy, tỷ lệ cung ứng nội địa năm 2017 của Việt Nam đạt tỷ lệ 33,2%, thấp hơn nhiều nước khu vực ASEAN; trong đó, DN bản địa chỉ cung ứng 13,1% (trong tổng số 33,2%). Do đó, theo các chuyên gia, để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, DN Việt cần nhanh chóng nâng cao tỷ lệ cung ứng nội địa trong thời gian tới.
Là đầu tàu kinh tế của cả nước, nơi tập trung nhiều DN CNHT nhất cả nước, thời gian gần đây, TPHCM đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các DN CNHT. Cụ thể, để giúp DN cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, thành phố đã giao Trung tâm Phát triển CNHT (Sở Công thương) làm đầu mối, phối hợp với các tổ chức, DN trong và ngoài nước hỗ trợ các DN của TPHCM. Đồng thời, hỗ trợ các tỉnh, thành lân cận (như Đồng Nai, Bình Dương…) cùng tham gia vào các chương trình hỗ trợ như: Chương trình phát triển DN bền vững (SCORE), Chương trình đào tạo DN phát triển toàn diện của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) theo phương pháp 5S - kaizen, Chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp do các chuyên gia của Samsung thực hiện.
Ông Hoàng Thọ Vượng, Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM, cho biết: “Nhờ tham gia các chương trình trên, nhiều DN CNHT tại TPHCM đã thu được kết quả tích cực. Sau thời gian cải tiến với sự hướng dẫn của các chuyên gia, DN đã giảm được nhiều chi phí ở các khâu thừa, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Qua đó, một số DN đã có thể tự tin tham gia vào chuỗi cung ứng, hợp tác với các DN FDI”.
Song song đó, TPHCM cũng đang triển khai các chính sách hỗ trợ DN mở rộng đầu tư, sản xuất lĩnh vực công nghiệp, CNHT thông qua chương trình kích cầu đầu tư của thành phố, chương trình kết nối ngân hàng - DN; tăng cường kết nối cung cầu, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tìm vốn ưu đãi
Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ các DN CNHT, nhưng theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nguồn lực của thành phố còn nhiều hạn chế và có hạn. Muốn các DN CNHT phát triển vững mạnh cần có những chính sách linh hoạt, chi tiết và đồng bộ hơn từ các cơ quan Trung ương để hỗ trợ DN.
Theo đó, cần tập trung nguồn lực quốc gia và quốc tế để thúc đẩy hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN tư nhân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi trong nước, vốn ODA và vốn vay ưu đãi thương mại khác. Tạo điều kiện để các DN ngành CNHT có cơ hội vay vốn đầu tư công nghệ mới, máy móc, trang thiết bị mới, cải tạo nhà xưởng sản xuất cũng như tăng cường đào tạo nguồn nhân lực.
Để hỗ trợ các DN công nghiệp - CNHT phát triển đồng bộ, cuối tháng 6 vừa qua, UBND TPHCM đã có văn bản kiến nghị các cơ quan Trung ương bố trí kinh phí và thực hiện các chương trình, đề án CNHT. Trong đó, có hỗ trợ các địa phương thực hiện; quy hoạch và tổ chức kết nối liên kết vùng trong cung ứng sản phẩm CNHT cho DN FDI, các chuỗi cung ứng toàn cầu; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, cũng như vận hành có hiệu quả cổng cơ sở dữ liệu CNHT quốc gia để các địa phương, DN có thể tham gia truy cập và kết nối. Thu hút DN FDI lớn, sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, đặt nhà máy sản xuất cấp khu vực tại Việt Nam để tạo điều kiện cho DN CNHT trong nước tham gia cung ứng sản phẩm CNHT. Ngoài ra, cần đàm phán và giám sát thực hiện cam kết nội địa hóa của các DN FDI. Đồng thời, UBND TPHCM cũng kiến nghị các bộ, ngành sớm ban hành văn bản hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ trong việc áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế.
Về phía địa phương, UBND TPHCM sẽ rà soát bố trí quỹ đất phát triển CNHT để đáp ứng nhu cầu cho DN nhỏ và vừa với quy mô diện tích và giá thuê phù hợp. Thực hiện tốt chương trình kích cầu đầu tư nhằm tạo điều kiện hỗ trợ DN đổi mới máy móc thiết bị công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tổ chức kết nối DN - ngân hàng để giải quyết về vốn đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp - CNHT.
Cùng với đó, TPHCM sẽ thường xuyên liên hệ với các tổ chức tài chính, quỹ hỗ trợ phát triển trong và ngoài nước như JICA, Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Quỹ phát triển khoa học công nghệ… để nắm bắt, gắn kết các nguồn vốn, định chế tài chính khác, nhằm tranh thủ nhiều nhất sự hỗ trợ phát triển DN. Thu hút DN lớn sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh để tạo điều kiện cho DN CNHT thành phố tham gia cung ứng cho các DN này.