“Tay ngang” chơi nhạc

Bảng xếp hạng thịnh hành YouTube, nhiều trang nhạc số thời gian qua chứng kiến sự “lên ngôi” của khá nhiều cái tên lạ tai. Họ là những “tay ngang hợp thời”, nhờ một số ca khúc được khán giả yêu mến mà phủ sóng mạng xã hội.
Hồ Phi Nal có bước đột phá nhờ ca khúc “Rồi tới luôn”
Hồ Phi Nal có bước đột phá nhờ ca khúc “Rồi tới luôn”

Gây sốt

 “Nghe cứ bị nghiện làm sao í! Nhạc hay và đỉnh quá, đúng đậm chất miền Tây luôn”; “Bài hát của anh ấy nằm trong tốp những bài hát gây nghiện. Thằng nhỏ nhà mình tối ngày nghêu ngao hát”; “Nghe hoài không chán. Lời dễ thương xỉu, dự đoán phủ sóng mạnh trong các đám cưới từ miền quê lên thành thị nha!”… Đó là một số trong hàng ngàn bình luận về mức độ “gây nghiện” của ca khúc Rồi tới luôn gây sốt từ YouTube đến Facebook, TikTok, cạnh tranh vị trí tốp 1 các bảng xếp hạng âm nhạc trong 2 tháng qua. 

Trên TikTok, Rồi tới luôn có hàng trăm ngàn video cover. Trên YouTube, nhiều ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc cover ca khúc này cũng bất ngờ lọt vào bảng xếp hạng thịnh hành, đạt triệu lượt xem.

Cụ thể, ca khúc từng có 6 phiên bản video (karaoke, EDM, parody, hay các bản cover) lọt tốp trending YouTube cùng một thời điểm. Điều đáng nói, chủ nhân ca khúc đang có hơn 80 triệu lượt xem (con số nhiều giọng ca tên tuổi V-pop phải khao khát) không phải ca sĩ nổi tiếng nào mà là một bạn trẻ yêu ca hát có cái tên cũng lạ Hồ Phi Nal (24 tuổi, quê Đồng Tháp).

Phi Nal từng gây chú ý khi giới thiệu bài hát Cô đơn dành cho ai trước đây. Ca khúc mới Rồi tới luôn là lời cầu hôn của chàng trai dành cho người yêu, gây ấn tượng bởi giai điệu vui nhộn, ca từ hóm hỉnh. Ca khúc mang âm hưởng chachacha, một chất liệu cũ nhưng sau thời gian nhạc Việt tràn ngập ballad, rap… bỗng thu hút, vừa quen vừa lạ, vừa mang hơi thở hiện đại, lại chân chất dân dã. Nổi bật với khả năng sáng tác cùng giọng hát lạ, cá tính, sau thành công của Rồi tới luôn, Phi Nal hứa hẹn sẽ tạo nên những điều thú vị cho V-Pop trong thời gian tới. 

Không chỉ Phi Nal, nhóm nhạc X2X Band gồm Phát Hồ (giọng hát chính), DingLong (rapper), Jokes Bii và Sinike theo đuổi chất nhạc ngũ cung, nổi lên từ Cô Thắm không về, Cố giang tình, Thiệp hồng người dưng, Họa mây… cũng thu hút hàng chục triệu lượt nghe.

Bên cạnh đó, chỉ với giọng hát mộc cùng nhạc cụ đơn giản như đàn guitar, nhiều kênh YouTube thu hút hàng triệu khán giả theo dõi, không hề kém cạnh ca sĩ nổi tiếng. 

Nguyễn Văn Thuận (24 tuổi, Sóc Trăng, chủ kênh YouTube Thuận Chùa) được khán giả mạng xã hội yêu thích với các video cover khi hát ở bến sông, hay ở một góc ruộng, vườn. Kênh Nghi Nghi, Huy Music, Lê Vĩnh Sơn (Sóc Trăng), Chương Chu Offical, Anh Khoa… cũng được hàng trăm ngàn khán giả trên YouTube, TikTok đăng ký theo dõi.

Dễ đến, dễ mất hút…

 Vừa qua, Hồ Phi Nal tiếp tục ra mắt ca khúc Thương nhau tới bến theo phong cách Rồi tới luôn. Anh cũng sáng tác ca khúc tặng một em bé ở Bệnh viện Trưng Vương đang điều trị Covid-19. Các video ca khúc của Nal khá đơn giản, hầu như chỉ là một vài tấm ảnh và chạy chữ bài hát, chú trọng vào âm nhạc. 

Nhiều kênh âm nhạc của các “tay ngang” thành lập ban đầu chỉ với mục đích chia sẻ niềm vui ca hát. Với họ, đơn giản bài nào thích thì hát rồi quay nhanh trong vài giờ, đăng YouTube, TikTok mà ít qua chỉnh sửa kỹ thuật... Video thực hiện rất gọn gàng, chỉ quay cảnh ngồi đàn và hát, nhưng chính từ sự mộc mạc, chân chất đó lại khiến nhiều khán giả yêu thích, muốn nghe. Chơi nhạc chủ động, mỗi người mỗi chất giọng riêng, nghe là biết ai hát, khá chiều chuộng khán giả khi hát theo yêu cầu… là những ưu điểm của các kênh này.

Và từ một cuộc chơi âm nhạc đơn thuần, nhiều giọng ca tay ngang tập trung phát triển kênh, cuộc sống họ bước sang trang mới: tìm thấy đam mê, có thêm thu nhập. 

Sự phát triển của các mạng xã hội, đặc biệt YouTube với hình thức phát hành, chia sẻ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các giọng ca, nhà sáng tạo, sản xuất nội dung phát triển. Việc tối giản hóa, tích hợp khâu sản xuất, giúp họ dễ dàng ra sản phẩm. Những “tay ngang chơi nhạc” đều có cơ hội nếu vừa biết sáng tác, vừa biết làm nhạc. Bảng xếp hạng thịnh hành YouTube và các trang nhạc số vừa qua vẫn là cuộc cạnh tranh của nhiều cái tên lạ như Nal, Nâu, Duongg, Titie, H2K, W/n… 

Làng nhạc Việt từng chứng kiến bước chuyển mình mạnh mẽ của giới underground với những gương mặt nghệ sĩ lạ. Đã không ít trường hợp “gây bão” với các ca khúc ăn khách nhưng rồi “biến mất” giữa vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt của thị trường, như Nguyễn Trọng Tài với Hongkong1, Xesi với Túy âm… 

Để đi được đường dài với âm nhạc, những cái tên đang “nổi như cồn” cần phải tìm cách thay đổi, tiếp cận khán giả. Nếu không, sự vụt sáng chỉ là hiện tượng… 

Đọc nhiều nhất

MV Người rất tốt không gặp sẽ tốt hơn nhận nhiều ý kiến trái chiều

Nhạc Việt chưa hết “sạn”

Sự xuất hiện của các bài hát có ca từ vô nghĩa, MV nhảm nhí, không hề mới. Tuy nhiên, mặc kệ khán giả gọi những ca khúc vô nghĩa như thế là “rác”, “sạn” thì chúng vẫn tràn lan trên mạng xã hội.

Phim

"Cuộc đời vẫn đẹp sao" và những câu chuyện ấm áp tình người

Chiều 27-3 tại Hà Nội, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu ra mắt bộ phim truyền hình Cuộc đời vẫn đẹp sao của đạo diễn Danh Dũng với sự tham gia của nhiều gương mặt nghệ sĩ tên tuổi, được khán giả yêu mến như: NSƯT Thanh Quý, NSƯT Hoàng Hải, diễn viên Thanh Hương, Tô Dũng, Anh Thơ…

Mỹ thuật

Sách và cuộc sống

Xuất bản sách song ngữ: Đón đầu cơ hội

Gần đây, nhiều đơn vị xuất bản trong nước lựa chọn xuất bản theo hình thức song ngữ Việt - Anh, với nhiều thể loại như sách tranh, sách văn học, sách kỹ năng… Xu hướng này được đánh giá là một công đôi việc, khi độc giả có thể tự học tiếng Anh mà các đơn vị xuất bản cũng có cơ hội quảng bá ấn phẩm ra nước ngoài.

Sáng tác

Bức tranh thêm màu nắng

Tết đã qua từ lâu lắm nhưng trời vẫn se sắt rét. Từng đợt gió quất sàn sạt trên những tàu dừa. Nhà đã đóng chặt cửa nhưng gió tràn vào từ những khe hở của gỗ ghép. Nội tôi ngồi hơ tay bên bếp lửa lặng thinh, thỉnh thoảng đằng hắng ho. Dường như suốt mấy hôm nay, nội không nói gì với mẹ.