Tây Ninh ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp

Là tỉnh vùng biên, Tây Ninh có nhiều thế mạnh để phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC), cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi. Để đạt mục tiêu đó, Tây Ninh đang đẩy mạnh chuyển đổi số mở ra cơ hội ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo nên luồng sinh khí mới, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. 
Người dân TP Tây Ninh đang thành công với mô hình trồng dưa lưới có mái che
Người dân TP Tây Ninh đang thành công với mô hình trồng dưa lưới có mái che

Xây dựng vùng sản xuất NNCNC

Trong năm 2021, ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh chịu tác động lớn của dịch Covid-19 và bước sang năm 2022 là thời điểm quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Điểm sáng trong ngành nông nghiệp là việc đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế đang tạo ra khởi sắc trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp; xu hướng chuyển đổi số mở ra tiềm năng, cơ hội ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. 

UBND tỉnh Tây Ninh đang có kế hoạch triển khai Đề án vùng sản xuất NNCNC tạo động lực lớn, dẫn dắt ngành nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh. Sở NN-PTNT đã hoàn chỉnh và tham mưu UBND tỉnh định hướng 17 vùng có thể phát triển vùng sản xuất NNCNC thực hiện trong giai đoạn 2022-2030. UBND tỉnh đã ban hành công văn số 2019/SNN-KHTC tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt đề án và dự kiến triển khai thực hiện vào năm 2023. 

Đề án vùng sản xuất NNCNC huyện Tân Châu là một trong những vùng được thí điểm thực hiện cụ thể trên cơ sở định hướng trong Đề án vùng sản xuất NNCNC tỉnh Tây Ninh. Hiện Sở NN-PTNT phối hợp với Sở KH-ĐT, UBND huyện Tân Châu tổ chức đưa Công ty cổ phần Nafoods Group, Tập đoàn TH True Milk, Tập đoàn Hùng Nhơn, Công ty TNHH Đầu tư - Xúc tiến - Thương mại vận tải Thành Đạt… khảo sát thực địa các khu đất công tại huyện Tân Châu để lựa chọn nơi phù hợp. Sau khi đề án được phê duyệt, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với Sở KH-ĐT hỗ trợ huyện Tân Châu trong công tác kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án NNCNC tại huyện Tân Châu, sớm hình thành vùng NNCNC trên địa bàn tỉnh. 

Đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa. Nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn. Tuy nhiên, tình hình sản xuất nông nghiệp ở Tây Ninh tương đối ổn định, các cây trồng, vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt. Ngành nông nghiệp đã hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với 1.300ha, tổng sản lượng 76.550 tấn, rà soát; kiểm tra 100 vùng trồng và 21 cơ sở đóng gói được cấp mã số để xuất khẩu; cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cho 19 cơ sở và cấp mới 6 cơ sở; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thức ăn xanh, hỗ trợ thực hiện 3 chuỗi cung ứng thịt heo an toàn với 98 cửa hàng; 634 trang trại gia súc với tổng đàn 194.716 con và 102 trang trại gia cầm với 6,1 triệu con đều được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất như hệ thống thức ăn tự động, dùng công nghệ thông tin quản lý đàn, dịch bệnh. 

Đáng chú ý, Tây Ninh có 4 đơn vị có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm được đưa lên các sàn thường mại điện tử (TMĐT). Đó là Công ty TNHH Tân Nhiên với sản phẩm bánh tráng lên các sàn TMĐT trong nước như Sendo, Tiki, Adayroi, Lazada, Hotdeal và các sàn quốc tế như Amazone, Alibaba, Ebay, Bestbuy, Walmart; trại dế Oanh Vĩnh với sản phẩm từ dế lên sàn TMĐT  Postmart, Shopee; Công ty TNHH MTV Ong mật Bảo An với sản phẩm mật ong lên sàn Postmart; Cơ sở chế biến kỹ nghệ thực phẩm Phú Gia Bảo với sản phẩm muối ớt, muối tôm, chao lên sàn Postmart. Ngành nông nghiệp cũng phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác - Phát triển nông nghiệp và Công ty Digital Kingdom JSC triển khai tập huấn sàn giao dịch TMĐT B2B sản phẩm OCOP, hợp tác xã, cổng blockchain số hóa hợp tác xã và hợp tác xã OCOP cho các phòng NN-PTNT, kinh tế, hợp tác xã, trang trại trên địa bàn. 

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp xanh, sạch đã có bước chuyển biến đáng kể, góp phần gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Sở NN-PTNT sẽ thực hiện hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn và các chính sách hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm xanh, sạch, đảm bảo năng suất, chất lượng nông sản; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và đa dạng hóa các kênh phân phối để tiêu thụ sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn với giá trị cao nhất.

Tin cùng chuyên mục