Hai ngày qua, dư luận “phát sốt” với pha bỏ bóng đạp người của một cầu thủ V.Nình Bình với đồng nghiệp tại V-League. Tuy nhiên, người của đội bóng cố đô tới lúc này vẫn tỏ ra dửng dưng, thậm chí còn bao biện.
Thực chất thì chuyện bạo lực không chỉ diễn ra ở V-League mà còn “ăn” lên đội tuyển QG và cả tuyến U22 khi dự giải quốc tế. Còn nhớ, khi đội bóng này dự BIDV Cup 2013 tại Campuchia đã để lại tiếng xấu trong một trận đấu với hai thẻ đỏ và lối chơi bạo lực mà các nước khác nhìn vào lắc đầu ngao ngán. Tiếp đó là đội tuyển QG đá ở vòng loại Asian Cup 2015 với Uzbekistan ta không chỉ thua về thế trận mà còn cả lối chơi, cách ứng xử khiến tất cả phải xấu mặt với đối phương.
Ngày đó, cũng chính đội trưởng Tấn Tài đáng ra phải gương mẫu thì lại bỏ bóng đạp thẳng vào chân đối thủ, nhưng may cầu thủ đội bạn không bị nặng chứ bằng không rất dễ giải nghệ. Chẳng biết là khi các quan chức của bóng đá VN nhìn thấy cảnh đó sẽ nghĩ gì với tình trạng xuống cấp về đạo đức của cầu thủ trên sân cỏ ngày càng trầm trọng đến vậy? Có người cho rằng, cần phạt nặng những cầu thủ đá xấu, đá láo nhưng nói cho cùng mấu chốt còn nằm ở chỗ làm sao để cầu thủ có cách hành xử tốt hơn và biết tôn trọng mình, tôn trọng đối thủ và khán giả.
Nguyên nhân việc trên không khó lý giải là tình trạng bát nháo của bóng đá VN thời gian qua. Khi nhiều bầu cứ rót tiền vào bóng đá kiếm thành tích mà chẳng màn dạy cầu thủ ứng xử nhưng miệng vẫn cứ “lu loa” chuyên nghiệp. Còn cái chính là chăm lo đào tào cầu thủ từ gốc, nhất là vấn đề đạo đức lại bỏ ngõ vì ai cũng chỉ giỏi đua tiền, phá giá thị trường.
Không ít cầu thủ hồi còn trẻ có tính cách đàng hoàng nhưng càng lớn thì hỏng vì môi trường bóng đá phức tạp. Phần nữa do giao du với thành phần hư hỏng nên không còn giữ được mình, và từ đó lối chơi cũng bị ảnh hưởng theo, nhưng người lớn không ai chú ý. Bóng đá nội phải nhận hậu quả từ cách làm không đầu không đũa và chỉ chạy theo thành tích nên bây giờ mới vậy.
KIM DUNG