Tệ nạn xã hội vùng giáp ranh - Bài 3: Mạnh tay trấn áp tội phạm

Đóng ở vùng giáp ranh, nhiều năm nay, Khu đô thị Đại học Quốc gia (KĐT ĐHQG) TPHCM là nơi sinh sống, học tập của hàng chục ngàn sinh viên, giảng viên và người lao động. Với đặc thù địa hình là nơi giáp ranh giữa quận Thủ Đức (TPHCM), TP Dĩ An (Bình Dương) và TP Biên Hòa (Đồng Nai), tình hình an ninh trật tự rất phức tạp, nơi này cũng không thể “đề kháng” trước tệ nạn xã hội ngày một gia tăng!

Sinh viên trong “tầm ngắm”...

Với các bạn sinh viên mới đến nhập học ở KĐT, sẽ là “mồi ngon” mà bọn tội phạm để mắt tới. Ngày 2-11 vừa qua, em Ngô Thanh Tâm, sinh viên năm 1 Trường ĐH Khoa học tự nhiên, trong lúc đạp xe đi học về, khi đến đầu đường vào trường, đã bị một tên cướp chạy xe máy áp sát rồi giật chiếc túi xách để trên giỏ xe, trong đó có điện thoại và giấy tờ tùy thân. Tâm chưa kịp tri hô thì tên cướp đã rồ ga phóng mất hút.

Tệ nạn xã hội vùng giáp ranh - Bài 3: Mạnh tay trấn áp tội phạm ảnh 1 Triệt phá sòng bạc “khủng” ở khu vực giáp ranh 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng.
Ảnh: CHÍ THẠCH
Trước đó, khoảng 22 giờ ngày 22-9-2020, Lương Văn Đẹt (SN 2003, ngụ Sóc Trăng), Nguyễn Văn Đạt (SN 2003, ngụ Trà Vinh), Sơn Quốc Thành (SN 1997, ngụ Bạc Liêu) và đồng bọn điều khiển xe máy đến đường Hải Thượng Lãn Ông thuộc phường Đông Hòa, TP Dĩ An. Tại đây, chúng phát hiện anh H.M. (SN 1999) cùng chị N.H. (SN 2001), đều là sinh viên, đang ngồi tâm sự. Lúc này, nhóm đối tượng khống chế lấy của nạn nhân 2 điện thoại, 1 triệu đồng, 1 đôi bông tai. Chưa dừng lại, chúng tiếp tục khống chế anh M. và thay nhau hiếp dâm chị H. Sau khi nhận được tin báo, Công an TP Dĩ An đã nhanh chóng xác lập chuyên án đấu tranh. Qua truy xét, Công an TP Dĩ An đã phối hợp cùng Công an TP Biên Hòa bắt giữ các đối tượng trên tại căn nhà không số thuộc phường Long Bình (TP Biên Hòa).

Lãnh đạo Công an TP Dĩ An cho biết, các nhóm tội phạm thường đi đám đông, dùng xe máy phân khối lớn. Một số vào tiệm tạp hóa, quán ăn, vờ mua hàng để đánh lạc hướng. Số còn lại đứng bên ngoài quan sát, khi thấy thời cơ “chín muồi” thì bẻ khóa lấy xe, thậm chí dùng hung khí tấn công nếu bị phát hiện. Trong thời gian gần đây, có nhiều bạn sinh viên thích đến khu vực các hồ nước gần nhà điều hành ĐHQG TPHCM để hóng mát, tâm sự. Do chủ quan về đêm, nhiều đôi bạn trẻ phải giao điện thoại, tiền bạc, thậm chí bị đánh đập bởi các nhóm tội phạm, nguy hiểm vô cùng.

Không chỉ có vậy, nhiều bạn sinh viên khi gặp khó khăn cũng vướng phải nạn cho vay nặng lãi. Dạng này núp dưới hình thức dán quảng cáo, phát tờ rơi ngoài đường mà trên mạng xã hội, các ứng dụng điện thoại, tình trạng cho vay tín dụng “đen” cũng hoạt động nhộn nhịp không kém, núp bóng dưới hình thức cho vay tiền nhanh, vay trả góp, nhắm đến đối tượng là công nhân, người lao động, sinh viên. Để không cho người vay có đường thoát nợ, trước khi cho vay, các đối tượng thường đến tận nhà người vay để lấy thông tin hoặc yêu cầu kiểm soát danh bạ điện thoại, mạng xã hội cá nhân. Theo mẫu tờ rơi dán ở cột điện trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), chúng tôi gọi điện hỏi vay nóng với số tiền là 5 triệu đồng.

Một người đàn ông nghe máy, cho biết: “Có hai hình thức trả là trả theo ngày và trả theo tuần, trả theo ngày thì 200.000 đồng/ngày, còn trả theo tuần là 1,6 triệu đồng/tuần. Trả trong vòng 2 tháng và chỉ cần chứng minh nhân dân, địa chỉ nhà ở, bằng lái xe”. Ngỏ ý xin địa chỉ để đến trao đổi, nói chuyện trực tiếp thì người này liền nhanh chóng từ chối nhưng đề nghị cho địa chỉ nhà ở, rồi sẽ cho nhân viên qua xem xét và giải ngân tiền. Tiếp tục liên lạc số điện thoại quảng cáo trước cửa nhà, ngỏ ý muốn vay 5 triệu đồng, một người đàn ông nghe máy ra điều kiện: “Nếu muốn vay tiền thì em cần phải có chứng minh nhân dân, bằng lái xe gốc và bản photo, số tiền vay được trả trong vòng 30 ngày, mỗi ngày góp 250.000 đồng. Em chỉ cần cho địa chỉ nơi ở, bên anh sẽ cho người đến tận nhà thẩm định hồ sơ, làm thủ tục và giải ngân tiền luôn”. Dễ dàng như thế nên rất nhiều sinh viên dính bẫy, mà không có ai hướng dẫn hay bảo vệ các em.

Hơn lúc nào hết, lực lượng chức năng TPHCM và tỉnh Bình Dương cần tăng cường tuần tra, truy quét các băng nhóm tội phạm; đồng thời phổ biến, tuyên truyền trong cộng đồng sinh viên cách đề phòng cướp giật, tinh thần nâng cao cảnh giác phòng chống tội phạm. Song song đó, ngành chức năng cũng cần tuyên truyền cho các hộ buôn bán, kinh doanh trong khu vực ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, để trong tương lai gần, nơi đây trở thành thành phố đại học vang danh trong cả nước.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Liên quan đến tình hình tội phạm cho vay nặng lãi, rửa tiền…, cơ quan chức năng các địa phương giáp ranh TPHCM cũng tăng cường nhiều biện pháp để góp phần ngăn chặn tội phạm. Bà Trần Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã điều tra, xử lý 3 vụ cho vay nặng lãi, tín dụng đen, trong đó có vụ án “Thiện soi”. Và để trấn áp loại tội phạm này, công an tỉnh đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm nắm tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi cho vay nặng lãi.

Tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), hoạt động tín dụng “đen” ngày càng phức tạp, nhiều băng nhóm đã bị triệt phá và chỉ trong 10 tháng đầu năm 2020, Công an TP Biên Hòa đã khởi tố 11 vụ, bắt 25 đối tượng về hành vi cho vay nặng lãi. Trong đó, nổi cộm nhất là băng cho vay nặng lãi gồm Quách Thị Lập (54 tuổi), Nguyễn Thị Thanh Lan (48 tuổi), Nguyễn Thanh Tâm (41 tuổi) và Vũ Đỗ Thanh Sang (26 tuổi, cùng ngụ tại TP Biên Hòa). Băng nhóm này hoạt động cho vay nặng lãi một thời gian dài, với lãi suất lên đến 180%/năm và chỉ từ tháng 7 đến tháng 10-2020, các đối tượng đã cho khoảng 50 người vay với số tiền hơn 3 tỷ đồng, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng. Theo Công an tỉnh Đồng Nai, hoạt động tín dụng “đen” đang len lỏi vào đời sống của nhiều tầng lớp người lao động, nhất là công nhân tại các KCN trên địa bàn.

Các đối tượng cho vay nặng lãi lợi dụng sự thiếu hiểu biết và hoàn cảnh khó khăn của công nhân để cho vay qua App với lãi suất cắt cổ; khi không có khả năng chi trả thì các đối tượng sẽ bị gọi điện đe dọa, gây áp lực buộc phải trả tiền, bị hành hung, gây thương thích, ném đồ bẩn vào nhà, bêu xấu trên mạng xã hội. Do đó, song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền về các thủ đoạn, mức độ rủi ro cao của tín dụng “đen” gây ra thì công an tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương tấn công trấn áp dạng tín dụng này.

Theo ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An, là địa bàn giáp ranh với TPHCM nên các băng nhóm tội phạm cũng có nhiều, thời gian qua, nhờ các lực lượng chức năng đã ra tay dẹp mạnh nên nạn xịt sơn lên tường nhà, tạt mắm vào nhà, nhắn tin hù dọa người mắc nợ đã giảm đáng kể. Từ đây đến cuối năm, công an tỉnh quyết tâm, tập trung lực lượng, cố gắng giải quyết các nhóm đá gà, đánh bài, bắn cá qua mạng, hoạt động băng nhóm, ma túy,… Công an tỉnh giao cho các địa phương cụ thể, nếu địa bàn nào để xảy ra vấn nạn này kéo dài thì phải chịu trách nhiệm trước ban giám đốc. Còn nếu để lực lượng công an tỉnh tiến hành triệt xóa các vấn nạn này trên địa bàn nào, thì lãnh đạo công an huyện, thị, thành phố và đội trưởng của địa bàn đó phải kiểm điểm trước ban giám đốc công an tỉnh.

Theo ông Trần Việt Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Phát triển KĐT ĐHQG TPHCM, chuẩn bị cho thời điểm Tết Nguyên đán sắp tới, Công an TP Dĩ An vừa lên kế hoạch phối hợp với Trung tâm ra quân truy quét tội phạm từ nay cho đến tháng 1-2021. Tuy vậy, do là địa bàn giáp ranh nên các em sinh viên không được bất cẩn, phải đề phòng và cảnh giác cao, bảo vệ tài sản của mình. Hoặc để cho an toàn, các em sinh viên nên tính toán chuyển hẳn vào ký túc xá ở.

Tin cùng chuyên mục