Tên đường, công trình công cộng ở TPHCM - Nhiều bất hợp lý

Sai, xấu và không hợp lý
Tên đường, công trình công cộng ở TPHCM - Nhiều bất hợp lý

Hệ thống tên đường và công trình công cộng của Sài Gòn - TPHCM được hình thành khá sớm, từ giữa thế kỷ XIX. Trải qua thời gian, các tên gọi này dần dần được thay đổi theo từng thời kỳ nhằm biểu dương công trạng của các nhân vật lịch sử cho mỗi chế độ chính trị khác nhau. Sự mở rộng về mặt không gian đô thị kéo theo sự phát triển của hệ thống đường sá đã tạo nên cho đô thị Sài Gòn - TPHCM một hệ thống tên đường và công trình công cộng đa dạng, phong phú. Thế nhưng, cũng từ lâu, hệ thống tên đường ở TPHCM bộc lộ nhiều điều bất hợp lý.

Sai, xấu và không hợp lý

Có 5 loại tên đường đang gây nhiều tranh cãi. Thứ nhất là những tên đường không chính xác. TPHCM hiện có 1.746 con đường đủ chuẩn (chiều dài 200m, lộ giới từ 12m trở lên), trong đó có 24 tên đường không chính xác, cần sửa. Đó là những con đường đặt sai tên hoặc viết thiếu, không đầy đủ tên các danh nhân.

Ở quận 1 có các đường Hồ Huấn Nghiệp (tên đúng là Hồ Huân Nghiệp), Lê Thánh Tôn (Lê Thánh Tông), Nguyễn Thiệp (Nguyễn Thiếp), Nguyễn Văn Tráng (Phạm Văn Tráng), Phan Ngữ (Phan Ngũ), Sương Nguyệt Ánh (Sương Nguyệt Anh), Trần Khắc Chân (Trần Khát Chân), Nguyễn Siêu (Nguyễn Văn Siêu), Trịnh Văn Can (Trịnh Văn Cấn); quận 3 có các đường: Ngô Thời Nhiệm (Ngô Thì Nhậm), Sư Thiện Chiếu (Thiện Chiếu); ở quận 4 có đường Tôn Đản (Tông Đản); quận 5 có các đường Hà Tôn Quyền (Hà Tông Quyền), Kỳ Hòa (Chí Hòa), Lương Nhữ Học (Lương Như Hộc), Nghĩa Thục (Đông Kinh Nghĩa Thục), Trần Hưng Đạo B (Trần Hưng Đạo); quận 11 có các đường: Hoàng Đức Tường (Hoàng Đức Lương), Huyện Toại (Đỗ Trình Thoại hoặc Huyện Thoại), Lê Đại Hành (Lê Hoàn); quận Phú Nhuận có các đường: Mai Văn Ngọc (Mai Bạch Ngọc), Trương Quốc Dung (Trương Quốc Dụng); quận Thủ Đức có đường Kha Vạn Cân (Kha Vạng Cân); quận Bình Thạnh và quận Tân Phú có đường Yên Đỗ (Yên Đổ).

Thứ hai là những tên đường không phù hợp, cần bỏ (8 tên đường). Đây đều là tên những người thân Pháp như Phan Liêm, Phan Tôn (quận 1), Cao Đạt (quận 5) hay những nhân vật còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ về mặt lịch sử như Lê Văn Duyệt, Nhất Linh, Khải Định (quận 9) và một số tên đường do các linh mục đặt mang tính chất Công giáo như Vân Côi và Đất Thánh (quận Tân Bình)…

Theo Điều 5, Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng (ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ) nêu rõ: “(…) Trường hợp đường, phố và công trình công cộng đã đặt tên mà xét thấy không có ý nghĩa lịch sử - văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của địa phương, gây ảnh hưởng, tác động xấu trong xã hội thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận trọng”.

Thứ ba là những tên đường trùng nhau, cần thay (132 tên đường). Những con đường trùng tên này nằm ở nhiều quận, huyện khác nhau. Những tên đường trùng nhiều nhất có thể kể đến là Chu Văn An (quận 6, 9, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Thạnh), Nguyễn Trường Tộ (quận 4, 9, Tân Phú, Phú Nhuận, Hóc Môn), Lê Lợi (quận 1, 9, Gò Vấp, Hóc Môn), Lam Sơn (quận 9, Tân Bình, Bình Thạnh, Thủ Đức).

Ngoài ra còn có những đường trùng tên trong một địa bàn nhiều nhất là ở quận Bình Tân như đường Ấp Chiến Lược, Bùi Hữu Diện, Kênh Nước Đen, Hồ Văn Long… Sở dĩ có tình trạng này là vì trước kia Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định là 3 đơn vị hành chính riêng, nơi nào đặt tên của nơi ấy, đến lúc sáp nhập lại thì ra nông nổi này. Việc trùng tên đường gây khó khăn trong giao dịch và sinh hoạt của người dân cũng như cho cơ quan quản lý.

Thứ tư là những tên đường xấu, thiếu thẩm mỹ. Ví dụ đường Kênh Nước Đen (quận Bình Tân), Rạch Bùng Binh (quận 3), Cống Lở (quận Tân Bình), Bờ Bao Tân Thắng (quận Tân Phú)… Những tên đường này không hề mang đến sự tự hào cho cư dân địa phương, nếu không muốn nói là họ ngán ngẩm. Vì đọc tên nó, người ta thấy sự gò bó, tù túng, bôi bác…

Thứ năm là những con đường mang tên khác nhau của cùng một nhân vật. Đây cũng là một dạng đường trùng tên vì cái thì được đặt theo tên thật, cái đặt theo tên hiệu (17 tên đường). Đó là các đường Đinh Bộ Lĩnh (Bình Thạnh), Đinh Tiên Hoàng (quận 1, 9, Bình Thạnh); Hai Bà Trưng (quận 1, 3, 9), Trưng Nữ Vương (Gò Vấp, Hóc Môn); Hoàng Hoa Thám (Bình Thạnh, Tân Bình), Đề Thám (quận 1); Nguyễn Duy Dương (quận 5, 10), Thiên Hộ Dương (Gò Vấp, Bình Thạnh); Nguyễn Huệ (quận 1), Quang Trung (quận 9, Gò Vấp, Hóc Môn); Nguyễn Khuyến (Bình Thạnh, Thủ Đức), Yên Đỗ (Tân Phú, Bình Thạnh); Nguyễn Văn Lạc (Bình Thạnh), Học Lạc (quận 5); Nguyễn Thị Lắm, Nguyễn Thị Lắng (Củ Chi); Phạm Đôn (quận 5), Phạm Đôn Lễ (quận 2); Phan Bội Châu (quận 1, Bình Thạnh), Phan Sào Nam (Tân Bình); Phan Chu Trinh (quận 1, 9), Phan Tây Hồ (Phú Nhuận); Phan Tôn, Phan Ngữ (quận 1); Phù Đổng (quận 9), Phù Đổng Thiên Vương (quận 5); Trần Hưng Đạo (quận 1, 5), Trần Quốc Tuấn (Gò Vấp); Trần Kế Xương (Phú Nhuận, Bình Thạnh), Tú Xương (quận 3, 9); Trương Định (quận 1, 3), Trương Công Định (Tân Bình); Vạn Hạnh (Tân Bình), Sư Vạn Hạnh (quận 10, 5)…

Bên cạnh đó, TPHCM còn có 133 đường đủ chuẩn (dài 200m, rộng 12m trở lên) nhưng vẫn còn mang tên số và khoảng 345 con đường, hẻm đủ chuẩn nhưng chưa có tên.

Cần cởi mở

Với tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, tại TPHCM mọc lên hàng trăm khu dân cư, hàng ngàn con đường mới cần đặt tên. Thế mà trong ngân hàng tên đường chỉ còn hơn 200 tên, một tỷ lệ quá nhỏ so với nhu cầu bức thiết của người dân.

Đến mỗi địa phương, đi trên những con đường mang đậm dấu tích văn hóa của vùng đất, con người nơi ấy, chắc chắn chúng ta thấy thú vị hơn rất nhiều. Nhưng nhìn vào tên đường và công trình công cộng hiện nay, chúng ta chưa thấy được điều ấy. Muốn vậy thì phải thay đổi ngay từ tư duy của những người tìm tên đặt cho đường và công trình công cộng.

Hiện nay, thành viên của Hội đồng đặt, đổi tên đường, công trình công cộng TPHCM hầu hết đều kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách và quan trọng nhất là chưa quy tụ được nhiều chuyên gia đa ngành. Thiếu kinh phí cũng là một trở ngại. Ông Hoàng Nghị, thành viên tổ thư ký của Hội đồng đặt, đổi tên đường, công trình công cộng TPHCM, cho biết: “Với số tiền 300.000 đồng/tên đường, công trình công cộng như hiện tại thì không thể bù đắp cho việc đầu tư để biên soạn”.

Theo tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu: “Ngân hàng tên đường, công trình công cộng muốn bền vững thì phải đáp ứng được những yêu cầu: phải mang tính nhân văn; những sự kiện lịch sử, văn hóa… được thử thách qua thời gian; giá trị văn hóa mang tính vùng miền đặc thù; ký ức của cộng đồng thể hiện qua những địa danh dân gian. Quan trọng là người dân phải được đóng góp ý kiến về những cái tên sẽ đặt ở nơi họ sinh sống. Khi đặt tên đường, công trình công cộng thì chúng ta phải tổ chức những buổi sinh hoạt cộng đồng để giải thích cho người dân hiểu về ý nghĩa của cái tên đó. Qua đó chúng ta mới làm tốt được việc giáo dục truyền thống”.

Tiến sĩ sử học Bá Trung Phụ, Trưởng phòng Trưng bày - Tuyên truyền (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TPHCM) thì góp ý phải sử dụng phần mềm GIS để quản lý ngân hàng tên đường, phải thống nhất một nguồn dữ liệu để tiện tra cứu.

Một điều cũng rất quan trọng là bấy lâu nay, chúng ta chỉ thấy những tên đường và công trình công cộng mà không biết thông tin gì về nó. Ví dụ, ngay dưới bảng tên đường là nhân vật, tối thiểu phải có năm sinh, năm mất và nghề nghiệp của họ: Nguyễn Du, 1765 - 1820, nhà thơ; Trần Phú, 1904 - 1931, nhà chính trị; Vũ Trọng Phụng, 1912 - 1939, nhà văn… Chi tiết hơn thì phải có vài dòng giới thiệu ý nghĩa của cái tên đó… Như thế thì dưới mỗi bảng tên đường, công trình công cộng sẽ là một điểm dừng văn hóa.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục