Phim truyền hình đang hồi sinh trở lại, có thể thấy được qua sự tương tác của người xem với các bộ phim truyền hình được quan tâm trên sóng VTV, từ nội dung đến diễn viên và cả những câu chuyện bên lề. Ở khu vực phía Nam, TFS - Hãng phim của Đài Truyền hình TPHCM hiện ra sao? Là một thương hiệu đình đám với tuổi đời gần 30 năm, nhưng nay TFS vẫn gặp nhiều khó khăn, dù đã có không ít nỗ lực. Mong muốn của công chúng tâm huyết với TFS là tiếp tục thực hiện những tác phẩm chất lượng, mang đậm tính thời sự, tính nhân văn và đặc biệt là tính tiên phong - điều đã làm nên thương hiệu của TFS.
TFS từng là cái nôi sản sinh thế hệ đạo diễn, diễn viên, quay phim… tài năng, góp phần tạo nên những tác phẩm làm nức lòng khán giả, như các bộ phim: Người đẹp Tây Đô, Xóm nước đen, Đất phương Nam, Giã từ dĩ vãng, Đồng tiền xương máu, Ngọn nến hoàng cung…
Thế nhưng, khi xu hướng xã hội hóa làm phim truyền hình, cùng sự thay đổi của thị trường, thị hiếu khán giả, TFS đã có những giai đoạn hoạt động cầm chừng, thậm chí phải tạm ngưng phát sóng, nhiều bộ phim đã sản xuất cũng phải “xếp kho”. Mặc dù từ đầu 2019 đến nay, các bộ phim này mới có dịp phát sóng trở lại, với nội dung còn tính thời sự, được thực hiện khá chỉn chu, nhưng về phương diện thể hiện, cách dựng phim và nhịp phim vẫn có phần chậm nhịp so với gu thưởng thức của công chúng.
Bộ phim mới nhất do TFS sản xuất - Đảo khát, sẽ lên sóng khung giờ 22 giờ từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần trên HTV9 từ ngày 14-8, là tín hiệu vui trước mắt. Được thực hiện từ năm 2014, nhưng vì nhiều lý do nên bộ phim này đã phải “cất kho” và nay mới phát sóng. Sau 5 năm kể từ thời điểm sản xuất, Đảo khát vẫn mang tính thời sự về câu chuyện chủ quyền biển đảo, khai thác và bảo vệ tài nguyên biển, bảo vệ môi trường… Phim cho thấy tâm huyết và nỗ lực của ê kíp trong điều kiện làm việc khó khăn và cả nguy hiểm. Thời điểm quay phim với bối cảnh chính tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) không chỉ thiếu điện, nước ngọt, nhiều cảnh quay thực hiện dưới biển vừa yêu cầu có các thiết bị chuyên dụng, vừa đòi hỏi ê kíp từ quay phim, diễn viên… phải trải qua khóa huấn luyện về lặn biển.
Việc TFS phát sóng trở lại các phim cũ và tái khởi động việc sản xuất phim là tín hiệu đáng mừng. Bộ phim Mùa cúc susi mới được TFS sản xuất và phát sóng đầu năm 2019 cho thấy sự bắt nhịp thời cuộc nhanh chóng của ê kíp với câu chuyện gần gũi, ngôn ngữ làm phim hiện đại. Một số dự án tiếp theo đã có trong kế hoạch sản xuất, như Rừng thiêng, Ráng chiều ấm áp, Kẻ sát nhân cô độc, AND… Trước mắt, mỗi năm TFS sản xuất 2 dự án phim truyền hình mới và hãng cũng lên kế hoạch thử nghiệm thể loại phim truyện ngắn thời lượng 20-30 phút với dự án N+1. Nói như Nghệ sĩ ưu tú Lý Quang Trung, Giám đốc TFS, đây là “hy vọng mới để những nghệ sĩ từng gắn bó với phim có thêm niềm tin, niềm vui mới”.
Sự trở lại của TFS chắc chắn không thể một sớm một chiều, đặc biệt trong bối cảnh thế hệ vàng của hãng đa phần đã nghỉ hưu, và sau một thời gian dài hãng tạm ngưng sản xuất khiến đội ngũ bị phân tán. Vì vậy, công tác đào tạo, tìm kiếm đội ngũ kế thừa là một thách thức không nhỏ đối với TFS và những nỗ lực cho sự hồi sinh phải được thực hiện thực sự quyết liệt. Trong xu hướng xem truyền hình truyền thống ngày càng thay đổi, thì để có thể tiếp cận và thu hút được số đông công chúng, cần phải có sự đổi mới và nhanh nhạy về phương pháp tiếp cận, việc quảng bá và cả sự linh hoạt. Làm thế nào để công chúng thưởng thức các bộ phim truyền hình không cần phải ngồi đợi trước máy thu hình vào những khung giờ cố định như trước đây, mà họ có được nhiều sự lựa chọn hơn nữa, chính là bài toán đáp ứng xu thế tất yếu: Truyền hình theo yêu cầu.