Nguy hiểm là vậy, nhưng công tác PCCC hiện nay ở các cơ sở này chưa được coi trọng, liên tục phát sinh vi phạm và tồn tại kéo dài. Đâu là giải pháp để ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả?
Kiểm tra là ra vi phạm
Đã có rất nhiều vụ cháy quán karaoke, nhà hàng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Điển hình như vụ cháy quán karaoke ở số 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) vào tháng 11-2016, làm 13 người tử vong, thiệt hại tài sản hàng chục tỷ đồng. Tại TPHCM, vụ cháy quán karaoke ở quận 3 làm 8 căn nhà bị thiêu rụi, 1 người tử vong, đã xảy ra hơn 4 năm nhưng đến nay nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhắc đến.
Thực tế, cơ quan chức năng có kiểm tra là “lòi” ra vi phạm. Tuy nhiều lần được Phòng Cảnh sát PCCC quận 1 và Cảnh sát PCCC TPHCM kiểm tra, phát hiện, xử phạt và đề nghị khắc phục các vi phạm trước đó, nhưng trong lần kiểm tra của UBND quận 1 mới đây, tại 2 quán karaoke Avata và Kingdom (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) vẫn tiếp tục để vi phạm tồn tại. Trong số các lỗi về PCCC do lực lượng chức năng phát hiện ở 2 cơ sở này, đáng lo ngại nhất là chủ cơ sở lắp đặt bảng quảng cáo che kín mặt tiền ở các tầng trên, không có lối thoát hiểm trong trường hợp sự cố cháy nổ xảy ra.
Tương tự, nhiều chủ nhà hàng cũng bất chấp quy định, vi phạm nhiều lỗi PCCC. Cụ thể, nhà hàng Dim Tắc Đông Du (phường Bến Nghé, quận 1) ở lần kiểm tra gần đây nhất vào tháng 4-2018, cảnh sát PCCC phát hiện cửa thoát hiểm ở nhà hàng này bị chèn, chốt, không mở được; không lắp đặt hệ thống báo rò rỉ gas; không thẩm duyệt và nghiệm thu PCCC…
Tại nhiều quán karaoke, nhà hàng khác trên địa bàn các quận 8, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức… cũng tồn tại nhiều vi phạm tương tự. Vì sao các lỗi vi phạm PCCC liên tục phát sinh và tồn tại kéo dài tại các quán karaoke, nhà hàng? Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết có nhiều nguyên nhân, trước hết là ý thức của cơ sở còn xem nhẹ hiểm họa cháy nổ; cố tình không lắp đặt hệ thống PCCC để tiết giảm kinh phí đầu tư; chính quyền, ngành chức năng một số nơi chưa làm hết trách nhiệm, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm…
Không ít trường hợp chủ nhà hàng bất chấp nguy hiểm, xem thường pháp luật khi được góp ý cần trang bị bình CO2, không bố trí nơi để xe che bít lối thoát hiểm. “Mấy anh khéo lo, đâu phải dễ cháy. Còn về kiểm tra, có khi cả năm, mấy anh PCCC chưa tới một lần”, một nhân viên quản lý ở nhà hàng V.C (đường Phạm Thế Hiển, quận 8) cười cợt khi được thực khách góp ý, chỉ ra các vi phạm về PCCC.
Nâng cao trách nhiệm, ý thức
Tại hội nghị tổng kết công tác PCCC 6 tháng đầu năm 2018, lãnh đạo Cảnh sát PCCC TPHCM nhìn nhận công tác PCCC, ngăn ngừa cháy lan cháy lớn, đặc biệt là các giải pháp PCCC đối với các loại hình dịch vụ, giải trí như kinh doanh karaoke, nhà hàng, quán ăn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong các hạn chế, có yếu tố chủ quan, chưa làm hết trách nhiệm của một bộ phận đơn vị trong lực lượng PCCC, chính quyền cơ sở. Đảng ủy - Ban Giám đốc Cảnh sát PCCC TP đề nghị các đơn vị phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục ngay các tồn tại; tăng cường hơn công tác giám sát, phát hiện vi phạm, nhất là đối với chỉ huy các phòng ban, đơn vị và cán bộ phụ trách địa bàn.
Theo Cảnh sát PCCC TPHCM, để nâng cao hiệu quả trong PCCC tại các vũ trường, nhà hàng, quán karaoke, khu thương mại, khu vui chơi tập trung đông người… giải pháp quan trọng nhất là phải nâng cao ý thức cho chủ cơ sở. “Khi chủ cơ sở có ý thức tốt sẽ quán triệt tốt đến nhân viên. Nhân viên có ý thức tốt sẽ nhắc nhở ngay khi thấy khách vi phạm. Làm được vậy, chắc chắn cháy nổ sẽ giảm mạnh”, đại diện lãnh đạo Cảnh sát PCCC TPHCM nhấn mạnh. Theo đó, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường các buổi phổ biến kiến thức về PCCC, tập huấn kỹ năng PCCC đối với chủ và quản lý cơ sở; chế tài mạnh đối với các trường hợp vi phạm; thậm chí đình chỉ hoạt động những trường hợp cố tình vi phạm, tái phạm nhiều lần.
Trong khi đó, chính quyền một số quận huyện cho rằng, muốn kéo giảm cháy nổ tại các cơ sở dịch vụ kinh doanh, cần thiết thắt chặt quy định cấp phép hoạt động. Một trong những điều kiện bắt buộc để được cấp phép kinh doanh là phải đảm bảo PCCC, tức phải được thẩm duyệt và nghiệm thu các phương án PCCC. Và để thực hiện được điều này, cơ quan ban hành luật cần điều chỉnh các quy định về cấp phép kinh doanh, hoạt động doanh nghiệp hiện nay, nhất là đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.