Di dời rồi lại… di dời
Phân tích về tình hình đầu tư sản xuất của các DN trên địa bàn thành phố, đại diện các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) nhận xét, hiện có nhiều DN đã đầu tư vào KCX, KCN nhưng cũng không ít DN đang hoạt động trong khu dân cư trên địa bàn thành phố. Điều này xuất phát từ chủ trương di dời cơ sở sản xuất của thành phố. Theo đó, DN được vận động di dời sản xuất ra khỏi khu vực nội thành nhưng lại thiếu định hướng đầu tư vào KCX, KCN. Do vậy, một số DN đã tự làm việc với địa phương ngoại thành để được cấp phép đầu tư tại địa điểm mới trong khu dân cư. Theo thời gian, tốc độ đô thị hoá tại khu vực ngoại thành tăng mạnh, dân cư thêm đông đúc và sự tồn tại của các nhà máy sản xuất lại trở nên không phù hợp; buộc địa phương phải điều chỉnh quy hoạch và gây khó cho DN.
Đại diện Công ty CP Nhựa Minh Hùng than rằng, năm 2000, theo chủ chương di dời của thành phố, công ty chọn khu vực đường Ao Đôi, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, để xây dựng nhà xưởng. Đến nay, toàn bộ diện tích nhà xưởng của công ty đã bị quy hoạch thành công viên cây xanh. Việc quy hoạch này khiến công ty không thể thực hiện thủ tục thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất để vay vốn đầu tư, cải tạo dây chuyền sản xuất, nhất là trong bối cảnh công ty đang mở rộng thị phần tiêu thụ sản phẩm sang các nước New Zealand, Mỹ, Úc, Thái Lan…
Ở góc độ khác, nhiều công ty cũng đang rất khó khăn trong việc xin cấp phép xây dựng mở rộng nhà xưởng sản xuất. Thậm chí, có những DN đã đầu tư sản xuất tại KCX, KCN nhưng vẫn không được cấp quyền sử dụng đất, mà nguyên nhân là do chủ đầu tư hạ tầng chưa đóng đủ tiền thuê sử dụng đất với thành phố. Riêng trường hợp Công ty CP Saigon Food mua lại đất từ một công ty không còn hoạt động tại KCN Vĩnh Lộc để xây dựng nhà xưởng cách đây 4 năm, nhưng đến nay vẫn chưa chuyển được quyền sử dụng đất.
Cải thiện môi trường đầu tư
Không dừng lại đó, về việc tiếp cận các chủ trương, chính sách hỗ trợ vốn đầu tư, kích cầu, cơ hội tiếp cận thị trường của DN cũng còn rất hạn chế. Mặt khác, sản phẩm nội chất lượng đạt tiêu chuẩn ngoại nhưng vẫn rất khó tiếp cận với các dự án đầu tư công. Một phần do tâm lý sính hàng ngoại của các chủ đầu tư. Thêm nữa, có nhiều quy định về tiêu chuẩn trong hồ sơ mời thầu không phù hợp để hàng trong nước có thể chen chân vào.
Trước thực tế đó, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết chủ trương của thành phố là trong năm nay phải tiếp cận và tháo gỡ nhanh những khó khăn trong hoạt động sản xuất của DN. Do vậy, trong phạm vi giải quyết của sở, sở sẽ tăng cường thêm các hoạt động kết nối thị trường cho DN để mở rộng thị phần tiêu thụ. Từ nay đến cuối năm, sở sẽ phối hợp với các hiệp hội DN nước ngoài để xúc tiến đưa sản phẩm chủ lực của thành phố mở rộng tiêu thụ tại thị trường Hàn Quốc, Úc, Thái Lan và châu Âu.
Riêng về quỹ đất đầu tư cho DN, sở đã tham mưu UBND TPHCM phát triển thêm một số KCX, KCN nhằm đáp ứng quy mô và nhu cầu đầu tư ngày càng lớn của DN. Về phía DN cũng nên có chiến lược dịch chuyển đầu tư vào các KCX, KCN để phát triển ổn định. Ngoài ra, thành phố đang có chính sách hỗ trợ lãi suất vay với thời hạn 7 năm cho các DN có dự án cải tạo, đổi mới dây chuyền sản xuất. Liên quan đến vấn đề quy hoạch sử dụng đất thiếu tính ổn định, sở ghi nhận và báo cáo lên thành phố.
Ông Phạm Thành Kiên cũng thông tin thêm, hiện quy định quy hoạch cũng đã được điều chỉnh theo hướng mỗi tỉnh thành có một quy hoạch, thay cho việc mỗi quận huyện có quy hoạch riêng, giúp giảm phân tán, manh mún và phát sinh nhiều tiêu cực trong quá trình quy hoạch.