Câu chuyện văn hóa

Thắp thêm tình yêu lịch sử

Trong chuyến hành trình về nguồn “Qua miền Tây Bắc” của đoàn cán bộ tuyên giáo, phóng viên, biên tập viên tiêu biểu thuộc các cơ quan báo chí, xuất bản TPHCM vào giữa tháng 12 vừa qua, đoàn đã được đến tham quan nhiều di tích lịch sử cách mạng. Ở đó, những câu chuyện xưa, những chiến thắng oanh liệt đã được kể lại bằng sử, bằng thơ đầy xúc động.

1.

Trên đỉnh đồi A1, dưới tán phượng già, tay chỉ về hố bộc phá, giọng của hướng dẫn viên (HDV) Ngô Thị Lai (Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên) rưng rưng. Cô kể, khi cùng các đồng nghiệp nhận cuốc đất trồng lại hoa trên đỉnh đồi, vừa gạt lớp đất ra vài chục phân đã thấy hài cốt các anh nằm lẫn với nhau.

“Dù trải qua hàng ngàn lượt dẫn khách trong 16 năm qua, nhưng cảm xúc lúc nào cũng vẹn nguyên. Bởi với tôi, mình không phải là người thuyết trình lịch sử đơn thuần, mà trong những lời kể đó còn có cả cảm xúc thật, từ tận sâu trong trái tim mình”, cô chia sẻ. Với Ngô Lai, mỗi lần dẫn đoàn là một lần như được sống lại, hình dung một cách tường tận về cuộc chiến năm nào. Cô HDV gốc Hà Tây cũ, sau từng ấy năm gắn bó đã coi Điện Biên là máu thịt đời mình.

y6a-7054.jpg
Hướng dẫn viên Hoàng Thị Châm thuyết trình tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, HDV Hoàng Thị Châm với chất giọng ấm, dày, vang và đầy tự hào, dẫn chúng tôi trở lại với chiến trường khốc liệt xưa. “Nói về cảm xúc thật khó diễn tả bằng lời. Như khi đón đoàn của Ban Tuyên giáo TPHCM, trong đó có nhiều nhà báo, là cảm giác vinh dự, hồi hộp. Khi dẫn đoàn các bạn học sinh - sinh viên, HDV lại cảm thấy mình trở thành người trao truyền niềm tự hào về chiến thắng vĩ đại của dân tộc... Vì thế, lúc nào chúng tôi cũng cảm thấy tràn đầy đam mê và cảm xúc khi thuyết minh, giới thiệu các điểm đến”.

2.

Có một điều khá đặc biệt trong điểm dừng chân của hành trình lần này, đó là nhiều câu chuyện lịch sử được các HDV minh họa bằng thơ, văn.

Tại Di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến (đồi Nà Bó, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, Sơn La), trong trang phục truyền thống của người Thái, cô HDV trẻ khi miêu tả về đài tưởng niệm nằm ở vị trí cao nhất với biểu tượng hình cụm lưỡi lê, đã đọc 2 câu thơ: Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây, súng ngửi trời một cách thật sinh động. Hay khi nhắc đến một biểu tượng hoa lau - loài cây rừng gắn liền với chặng đường hành quân của người lính Tây Tiến năm nào, bất giác cô bật lên 2 câu thơ: Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ? Có lẽ vì bài thơ Tây Tiến (tác giả Quang Dũng) đã quá nổi tiếng, như lịch sử được kể bằng thơ, nên khi đến chính địa danh này, tiếng thơ càng trở nên xúc động.

“Đây là một chuyến đi đặc biệt, nhất là được đến những địa danh lịch sử trước đây mình từng học trong sách vở, xem trên báo chí và tivi. Đến những nơi này, tôi như được hồi tưởng lại quá khứ hào hùng của cha ông. Tự hào và xúc động lắm”, nhà báo Song Minh, Tạp chí Giáo dục TPHCM, chia sẻ.

Theo HDV Ngô Thị Lai, không phải ngẫu nhiên trong các phần thuyết trình, cô luôn dùng các áng văn, thơ nổi tiếng để minh họa cho thêm phần sống động. “Những tác phẩm văn chương ấy đã gắn liền với các chiến dịch, với từng trận đánh. Bản thân nó cũng đã quá nổi tiếng nên dễ tạo cảm xúc, sự gần gũi cho du khách”, cô chia sẻ. Cô cũng cho biết, thường khi dẫn đoàn, nếu để hỏi các du khách, đặc biệt các em học sinh, chiến dịch Điện Biên Phủ đã diễn ra trong thời gian bao lâu, có lẽ không nhiều người nhớ. Nhưng khi cô đọc câu thơ: Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn! từ bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (Tố Hữu) hầu như ai cũng biết. Hay những câu thơ: Chiều mùng bảy tháng năm/Một chiều hè lịch sử trong bài thơ Một chiều hè lịch sử (Trần Đăng Khoa), rất dễ để nhắc mọi người về mốc thời điểm chiến thắng đó.

HDV Hoàng Thị Châm cho biết: “Tuy rất quen với những nội dung lịch sử, nhưng mỗi HDV đều tìm thêm các thông tin ngoài lề để giúp bài thuyết minh trở nên hấp dẫn hơn, như câu chuyện về chiến sĩ quân y; những người dân công tải đạn; những hiện vật gắn với nhân vật và hoàn cảnh lịch sử...”. Với HDV Ngô Thị Lai, việc tương tác với du khách thông qua các câu hỏi là cách tăng sự kết nối hiệu quả.

Thời gian làm việc tại các di tích có thể dài ngắn khác nhau, nhưng bản thân mỗi người trong số họ đều có những kỷ niệm khó quên. Với Ngô Thị Lai, cô thường xuyên nhận được “đặt hàng” là người hướng dẫn. Cô từng được lời đề nghị như thế từ một cặp vợ chồng vốn là cựu giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, bởi trước đó họ từng vô tình theo dõi một clip cô dẫn đoàn trên YouTube. Từ cơ duyên đó, trong chuyến công tác dự Tuần lễ Văn hóa, du lịch Điện Biên - Tây Bắc tại TPHCM vào đầu tháng 12 vừa qua, cô còn được họ đón, dẫn đi chơi như những người bạn thân.

Tin cùng chuyên mục