Chưa kể, các biện pháp quản lý liên quan đến rào cản kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm của nước ta chưa tốt, dẫn đến nguy cơ Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, không đảm bảo an toàn thực phẩm…
Lý giải nguyên nhân trên, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng, đó là do quy mô sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ lẻ, không đủ điều kiện để đầu tư trang thiết bị, công nghệ dây chuyền sản xuất đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.
Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên mua sắm tại các kênh mua sắm hiện đại để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Hiện Việt Nam đang có khoảng hơn 500.000 cơ sở chế biến, trong đó 85% cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình. Không chỉ vậy, thực trạng sử dụng phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật không đúng quy định trong trồng rau quả, dùng chất cấm trong chăn nuôi gia súc gia cầm và thủy sản, sử dụng hóa chất phụ gia ngoài danh mục, hay kinh doanh thực phẩm không nguồn gốc xuất xứ... còn diễn ra khá phổ biến. Việc phân công kiểm soát an toàn thực phẩm đang được thực hiện theo kiểu chặt khúc, chồng chéo nên hiệu quả kiểm soát không cao.
Theo ông Nguyễn Tử Cương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm thú y, thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới, để có thể khắc phục tình trạng trên, các bộ, ngành liên quan cần rà soát lại toàn bộ các văn bản về an toàn vệ sinh thực phẩm đã ban hành, phải loại bỏ các văn bản trái luật, chồng chéo, không thực thi, không thống nhất. Các cơ quan chức năng cũng sớm ban hành những bộ tiêu chí, tiêu chuẩn quy định cho từng loại sản phẩm, ngành hàng làm cơ sở để doanh nghiệp chủ động thực hiện. Ngoài ra, cần khuyến khích chuyển đổi các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ sang quy mô hàng hóa lớn để tạo điều kiện cho việc áp dụng quy trình sản xuất thực phẩm sạch cả trong bảo quản, chế biến và vận chuyển.