Thay đổi để thích nghi

Giống như mùa lễ hội xuân năm trước, năm nay, để phòng chống dịch Covid-19, nhiều lễ hội lớn ở miền Bắc chỉ tổ chức phần lễ. 

Ngay tại thủ đô Hà Nội, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một trong những điểm đến của hàng vạn sĩ tử và du khách trong những ngày đầu xuân, cửa đóng then cài.

Lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức) trong ngày khai hội - mùng 6 tết cũng thanh vắng đến lạ. Cảnh tắc đò trên suối Yến, cảnh ùn ứ đến cả trăm mét trong nhà ga cáp treo lên động Hương Tích của bao mùa hội trước giờ đã trở thành ký ức.

Đường đến chùa Hương không còn tấp nập như xưa. Ảnh tư liệu
Tại hội Gióng, đền Sóc - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các lực lượng chức năng không còn đau đầu dàn quân để giải tán đám đông hừng hực chen lấn lao vào tranh lễ, cướp lộc… Lễ hội xuân Yên Tử (Quảng Ninh) sắp tới cũng chỉ tổ chức phần lễ với nghi thức địa phương, khi ban trị sự thực hiện nghi lễ dâng hương, khai hội tâm linh truyền thống nhưng bỏ phần văn nghệ và trò chơi.

Nhiều người “thở phào” nhẹ nhõm vì không tổ chức lễ hội tưng bừng thì sẽ không còn những lo lắng về thương mại hóa, về sai lệch ý nghĩa truyền thống cũng như phòng dịch Covid-19. Song rõ ràng sự thiếu vắng không khí rộn ràng tưng bừng của trống hội, cảnh tấp nập du xuân, trẩy hội khắp mọi miền cũng ít nhiều nảy sinh tâm lý hụt hẫng. Bởi lẽ, lễ hội không chỉ đơn thuần thực hành nghi lễ mà còn có ý nghĩa gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ tiếp sau các giá trị truyền thống. 

Không phải là không có lo ngại, liệu việc tạm dừng các lễ hội có làm “đứt gãy”, làm phai nhạt nghi lễ truyền thống? Trong lịch sử, lễ hội truyền thống đã nhiều lần dừng tổ chức do chiến tranh, dịch bệnh… Việc không được tham gia các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo là một chuyện chẳng đặng đừng, cực kỳ bất đắc dĩ với nhiều người. Lễ hội tạm dừng tổ chức, chỉ thực hiện phần nghi lễ mà không có hội của năm nay cũng để thích nghi với hoàn cảnh mới, chung sống an toàn với dịch bệnh.

Rõ ràng là có tiếc nuối nhưng đây cũng là cơ hội để nhìn lại, cùng nhau điều chỉnh hành vi thực hành lễ hội, để phù hợp hơn đối với xã hội đương đại. Khi ấy, lễ hội không chỉ tồn tại dưới mặt hình thức là tưng bừng cờ hoa, rộn ràng đàn, trống, “tranh cướp” lộc… mà còn là sự thanh thản, phấn khích trong lòng mỗi người.

Tin cùng chuyên mục