Họa sĩ Lê Thị Kim Bạch
“Nói đến cảm hứng sáng tác cũng như hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng tạo nghệ thuật, đối với tôi sẽ khó nói được bằng lời và khó nói cho đầy đủ. Hình ảnh vĩ đại của vị lãnh tụ kiệt xuất, của một tâm hồn bình dị mà bao dung, một trí tuệ tài ba và nhân ái và hơn tất cả, đó là một tấm lòng tận tụy, hy sinh cả đời mình cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do của dân tộc. Tôi vô cùng yêu quý và kính trọng nhân cách cao đẹp ấy nên chỉ biết thể hiện những tác phẩm về Bác bằng tất cả tấm lòng của mình” - họa sĩ lão thành Lê Thị Kim Bạch chia sẻ.
Làm nhiệm vụ giao liên trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, năm 1954, nữ giao liên Lê Thị Kim Bạch là một trong những người con miền Nam tập kết ra Bắc. Bà tốt nghiệp khóa đầu tiên Trường Trung cấp Mỹ thuật Việt Nam (1957-1960), sau đó được cử đi học tại Đại học Mỹ thuật quốc gia Kiev (Liên Xô) từ năm 1961 đến 1967. Sau khi về nước, bà làm giảng viên tại Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Hà Nội rồi Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam… Hơn 50 năm gắn bó với hội họa và đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ trẻ, ngoài các bằng khen, giấy khen, huy chương, giải thưởng trong nước và quốc tế, năm 2001, họa sĩ Lê Thị Kim Bạch đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1 cho loạt tác phẩm: bộ tranh Chân dung chiến sĩ cách mạng Bà Điểm, Hóc Môn (năm 1978); Mẹ con (sơn dầu, 1980); Hoa trái quê hương (lụa, 1990); Nỗi đau (sơn dầu, 1995); Bến xe ngựa chợ Bà Điểm (sơn dầu, 1995). Đến nay, hàng chục tác phẩm của bà được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ và Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM.
Tác phẩm tranh đá ghép Bác Hồ của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch.
Nhiều năm sống và làm việc nơi đất Bắc, nữ họa sĩ luôn hướng về quê hương miền Nam với những tình cảm thiết tha, đằm thắm thể hiện qua các tác phẩm chất liệu sơn dầu, lụa, ký họa chân dung. Với khả năng diễn tả sắc sảo, biểu đạt tính cách nhân vật với bút pháp khỏe khoắn, nét vẽ dung dị mà thanh thoát, hồn hậu mà sắc sảo, uyển chuyển mà mạnh mẽ, nữ họa sĩ từng tốt nghiệp xuất sắc khoa sơn dầu của Đại học Mỹ thuật quốc gia Kiev được đánh giá là một trong những người vẽ chân dung hàng đầu Việt Nam. Đặc biệt, bà cũng là người được đánh giá thành công trong thể hiện các tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mới đây, tại Lễ hội Làng Sen ngày 15-5 (TP Vinh, Nghệ An), tác phẩm Bác Hồ (tranh, đá ghép) của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch đã được Bộ VH-TT-DL và UBND tỉnh Nghệ An trao giải nhất Cuộc vận động sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tác phẩm Bác Hồ được lão họa sĩ thực hiện trong gần 3 năm (từ năm 2012 đến tháng 3-2015), chế tác từ đá tự nhiên, nguồn gốc từ Đông Sơn, Thanh Hóa. Lựa chọn chất liệu đá để thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc khó, là thử thách không nhỏ. Tuy nhiên, bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nữ họa sĩ khắc họa thật mềm mại với những màu sắc nhẹ nhàng, đơn giản như nâu, vàng, đen, trắng, ghi… tạo nên hình ảnh Bác thật gần gũi, giản dị, diễn tả được phong thái thanh cao của một tâm hồn vĩ đại, làm lay động lòng người.
Họa sĩ Lê Thị Kim Bạch chia sẻ: “Tôi nghĩ, không chỉ riêng tôi mà với nhiều thế hệ nghệ sĩ, hình ảnh Bác luôn là một tượng đài vĩ đại, một tấm gương để chúng tôi học tập, một mạch nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn trong sáng tạo nghệ thuật. Để có được giải thưởng lần này, phải kể đến sự hỗ trợ rất nhiều của các đồng nghiệp của tôi ở Hội Mỹ thuật TPHCM, các học trò đã giúp tôi chuẩn bị thủ tục và hoàn tất các hồ sơ cần thiết. Bởi thời gian này, tôi vẫn còn đang nằm viện”. Sức khỏe không còn tốt bởi di chứng của những vết thương từ nhiều năm trước nhưng bà vẫn khẳng khái: “Chỉ đến khi nào không đủ sức cầm cọ nữa thì tôi mới thôi vẽ. Với tôi, vẽ như là ăn, là uống, là hơi thở của mình vậy”, lão họa sĩ tâm tình.
Thế nên gần bước sang tuổi 80, người họa sĩ ấy vẫn ngày ngày miệt mài sáng tác…
MINH AN