Thêm cứ liệu để khôi phục điện Kính Thiên

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã hoàn thiện “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2019”.

Nhiều phát hiện mới, quan trọng thu được trong năm qua đã góp phần minh chứng rõ, sâu hơn và toàn diện hơn về lịch sử tồn tại liên tục, lâu dài hơn 1.300 năm của Hoàng thành Thăng Long. Kết quả này đóng góp thêm cơ sở khoa học về tính chất, niên đại, quy mô, chức năng và giá trị của các di tích tại khu vực chính điện Kính Thiên.

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam với những hiện vật quý thu được từ cuộc khai quật


Nhiều hiện vật nguyên vẹn

Theo nhận định của các nhà khảo cổ, Hoàng thành Thăng Long nói riêng và Kinh thành Thăng Long nói chung là một khu di tích rộng lớn, phong phú và phức tạp. Việc nhận diện kiến trúc của hoàng thành không thể một sớm một chiều mà phải trường kỳ, tỉ mỉ và từng bước. Đợt khai quật năm 2019, trong diện tích nhỏ 990m2, nhưng đã phát hiện được nhiều loại hình di tích và di vật rất đặc sắc của Hoàng thành Thăng Long trong bề dày lịch sử 1.300 năm.

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, còn tương đối nguyên vẹn các lớp văn hóa với đặc trưng của 1.300 năm lịch sử hiện diện khá đầy đủ từ thời Nguyễn, thời Lê Trung Hưng, thời Lê Sơ, thời Trần, thời Lý đến thời kỳ tiền Thăng Long. Cuộc khai quật đã tìm thấy nhiều di vật quý, trong đó điển hình là một số viên gạch bìa in hình hoa văn ô trám (thế kỷ 3-6), ngói âm dương xám, đầu ngói hoa sen và bát gốm men màu (thế kỷ 7-9). Đặc biệt, tại địa tầng thời Lý, nhà nghiên cứu đã tìm thấy các chân tảng đá cát, mảnh lá đề hình rồng cỡ lớn, mảnh mào tượng rồng cỡ lớn bằng đất nung cùng một số mảnh gạch lát hoa sen, hoa cúc.

Hố khai quật năm 2019 cho thấy, khoảng thế kỷ 8-9, ở khu vực này có dấu tích kiến trúc thời Đại La (tiền Thăng Long) mà dấu tích chứng minh rất rõ là cống nước xây bằng gạch khá công phu chạy theo hướng Bắc Nam. Lớp văn hóa này hình thành trực tiếp trên nền đất sinh thổ. Như vậy, trước thế kỷ 8-9, ở đây chưa hề có di tích nào. Việc phát hiện cống nước gạch kiên cố thời Đại La đã chứng minh cho giả thiết khu vực trung tâm của thành Đại La vẫn là ở khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Đặc biệt, thời Lê Sơ, thời Lê Trung Hưng, các dấu tích đã xuất lộ nhiều, gợi lên nhiều giả thiết mới về không gian kiến trúc chính điện Kính Thiên thời Lê Sơ, ở phía sau nền điện Kính Thiên có phần thu hẹp lại hơn so với phần phía trước.

PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành nhận định, việc phát hiện 3 dấu tích kiến trúc thời Nguyễn, 8 dấu tích kiến trúc thời Lê Trung Hưng, 10 dấu tích kiến trúc thời Lê Sơ, 8 dấu tích của các loại hình di tích thời Trần và 1 di tích cống nước lớn thời Đại La cùng nhiều loại hình di vật như vật liệu kiến trúc, đồ gốm sứ, đồ sành… rất có giá trị cho việc nghiên cứu, đánh giá giá trị khu Di sản Hoàng thành Thăng Long ở khu vực trung tâm.

Mở rộng quy mô khai quật khảo cổ

GS-TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nhận định: điện Kính Thiên là nơi thiết triều, nơi tiếp các sứ thần, không phải là nơi làm việc của vua. Nghiên cứu các công trình cung điện ở cố đô Huế cho thấy, trên đường thần đạo có nhiều công trình, trong đó, phía sau điện Thái Hòa có điện Cần Chánh, nơi làm việc của các vua triều Nguyễn. Bởi vậy theo GS Lưu Trần Tiêu, có thể mở rộng các hố khai quật về phía Tây Nam của hố khai quật năm 2019 để xem có nền móng công trình dạng Cần Chánh hay không.

GS-TS-NGND Nguyễn Quang Ngọc nhận định, kết quả khai quật cho chúng ta nhận ra một không gian điện Kính Thiên tổng thể, hiện thực và hợp lý, góp phần phục vụ hiệu quả cho chương trình phục dựng không gian điện Kính Thiên. PGS-TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, lưu ý để có thêm hiểu biết về các di tích thuộc hoàng thành, cần có chương trình khai thác tài liệu ở các trung tâm lưu trữ trong nước (Hà Nội, Huế...) và ở nước ngoài (Viện Viễn Đông bác cổ Pháp ở Pháp; Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại tại Aix-en-Provence, Pháp).

Dựa trên các kết quả đạt được trong việc khai quật khảo cổ học năm 2019, GS-TS Lưu Trần Tiêu đề xuất năm 2020 và các năm sau tập trung khai quật trục trung tâm Đoan Môn - Kính Thiên - Hậu Lâu - Bắc Môn để có thêm tư liệu phục hồi không gian điện Kính Thiên. Cụ thể, có thể mở rộng các hố khai quật về phía Tây Nam của hố khai quật năm 2019 để xem có nền móng công trình dạng Cần Chánh. Ông lưu ý “Đường nước lớn” là một phát hiện quan trọng và nổi bật nhất của khảo cổ học trong không gian điện Kính Thiên, đề nghị mở rộng toàn bộ các hố khai quật để làm rõ được toàn bộ quy mô của công trình này (nhất là tìm ra được các góc của đường nước). Đây là công trình sẽ thu hút khách tham quan.

Tin cùng chuyên mục