Bài hát Việt tháng 6

Thêm nhiều ca khúc về đề tài xã hội

Thêm nhiều ca khúc về đề tài xã hội

Sau hai năm ra mắt, chương trình Bài Hát Việt (BHV) 2007 đã “tái xuất” khá ấn tượng trong liveshow tháng 5 với nhiều sáng tác mang ý nghĩa xã hội. Chương trình tháng 6* với các sáng tác mới được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV 3 vào lúc 20 giờ ngày 24-6. 

Thêm nhiều ca khúc về đề tài xã hội ảnh 1

Ca sĩ Phương Anh biểu diễn trong chương trình Bài hát Việt. Ảnh: A.D.

11 bài hát hay được Hội đồng Nghệ thuật tuyển chọn với những tên tuổi khá quen thuộc với khán giả: nhạc sĩ Quốc Bảo, Mai Kiên, Tăng Nhật Tuệ… Bên cạnh đó là những gương mặt mới đầy tiềm năng hứa hẹn một cuộc ganh đua mạnh mẽ các giải thưởng của tháng.

Ca khúc Độc thoại với ca từ ngọt, giai điệu dìu dặt, nhạc sĩ Quốc Bảo khẳng định đẳng cấp của một người sáng tác chuyên nghiệp và không ngừng tìm tòi. Còn chàng nhạc sĩ hai mươi tuổi sở hữu gần trăm bài hát Tăng Nhật Tuệ, giải Ca sĩ yêu thích nhất bình chọn qua mạng Bài hát Việt tháng 12-2005, góp mặt với ca khúc Đồng thoại - một bài tình ca êm đềm, giọng nhắn nhủ mang đầy kỷ niệm ấu thơ.

Các sáng tác mảng dân gian đương đại, như Làng tôi bây giờ (Phạm Chỉnh), Son (Đức Nghĩa), Sao lệ rơi giếng ngọc (Duy Thịnh) đều tạo được nét riêng, giai điệu cấu tứ, đậm đà chất Việt nhưng vẫn toát lên màu sắc hiện đại. Sao lệ rơi giếng ngọc lấy cảm hứng từ truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy với đầy đủ các cung bậc hào hùng, bi tráng, tình yêu đôi lứa tha thiết, khắc khoải và kết cục đẫm đầy nước mắt. Son có màu sắc khá lạ lẫm, hiện đại trong giai điệu í a, í à, ngôn từ vừa đằm, sắc, vừa phóng túng: “đêm phơi nõn nà, em vẫn son…”.

Một điểm trùng hợp ngẫu nhiên: BHV tháng 5 và 6 đều có nhiều sáng tác hướng về đề tài xã hội. Không là những lời hát hời hợt bên ngoài mà thực sự đã đào sâu, đã đồng cảm và đạt đến “tầm” trong sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh, giai điệu để diễn tả những thực tế, diễn tả những cảm xúc chân thành, những nỗi đau của người trong cuộc. Mộ gió và Bão đêm trong tháng trước đều viết về những tang thương của thiên tai, nỗi đau của sự mất mát và tấm lòng sẻ chia đồng cảm. Tháng 6 này, Làng tôi bây giờ với đôi  nét chấm phá về thực trạng xã hội ở nông thôn Việt Nam, gần với những làn điệu dân ca Bắc bộ, giọng tình cảm, chậm, tha thiết tiếc nuối đau đớn vì sự đổi thay, mất mát của quê hương. Ngôi nhà lạc lõng (Toàn Thắng) viết về thực trạng gia đình hiện nay. Hãy để trái tim nói (Nguyễn Đức Cường) là tiếng hát cho những mảnh đời đau khổ trong xã hội, Khoảng trời của bé (Nguyễn Duy Hùng) với tiết tấu nhanh, cao, tha thiết dồn dập… Đây là sự đột phá trong thể tài về các vấn đề xã hội. Rõ ràng, BHV đang từng ngày phong phú hơn về thể tài và gần gũi với công chúng hơn nữa thông qua các vấn đề của xã hội được phản ánh trong ca khúc.

Nhạc sĩ Anh Quân - thành viên Hội đồng Thẩm định BHV cho rằng, ở một mức độ nào đó, những ca khúc trong BHV đã góp phần định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Điều này thật sự có ý nghĩa trong khi ta có quá nhiều bài hát có ca từ dễ dãi. BHV đã tạo cơ hội để các nhạc sĩ giới thiệu ca khúc mới đến với công chúng. “Điều đáng ghi nhận là nội dung nhiều ca khúc hướng đến các vấn đề xã hội với những đối tượng rất cần được quan tâm: môi trường, trẻ mồ côi, người tàn tật, nạn nhân bão lũ… Những bài này cần có thời gian, vì hầu hết người nghe ở mình chưa thực sự quan tâm đến những ca khúc ở mảng đề tài xã hội”, anh nói.

-------------------------------
* Bài hát Việt tháng 6 do VTV phối hợp với Công ty Cát Tiên Sa thực hiện, diễn ra tại Cung Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.

Võ Thâm

Tin cùng chuyên mục