Theo lịch trình, trong năm Ất Mùi 2015 sẽ có thêm hàng loạt công trình hạ tầng cơ sở giao thông đường bộ được khởi công hoặc hoàn thành trên địa bàn TPHCM.
Ngã sáu Gò Vấp có cầu vượt
Mô hình cầu vượt tại ngã sáu Gò Vấp
Bộ mặt cơ sở hạ tầng giao thông tại quận Gò Vấp sẽ có thêm một nét mới khi công trình cầu vượt ở nút giao ngã sáu Gò Vấp hoàn thành trong năm nay. Dự án bao gồm xây dựng một cầu vượt hình chữ Y cho điểm nóng giao thông này kết hợp cải tạo kích thước hình học các nhánh rẽ với hai hướng chính là Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm và Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Oanh. Cụ thể, nhánh cầu vượt theo hướng Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm là nhánh cầu chính với điểm đầu nằm trên đường Nguyễn Oanh cách tim vòng xoay nút giao ngã sáu Gò Vấp khoảng 600m và điểm cuối nằm trên đường Nguyễn Kiệm cách tim vòng xoay ngã sáu Gò Vấp khoảng 230m. Nhánh cầu 2 theo hướng Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Oanh có điểm đầu trên đường Phạm Ngũ Lão, cách tim vòng xoay ngã sáu Gò Vấp khoảng hơn 230m, còn điểm cuối nằm trên đường Nguyễn Oanh trùng với điểm đầu của nhánh chính. Toàn bộ phần cầu được xây dựng bằng thép, bê tông cốt thép, trong đó phần mặt cầu hai nhánh của chữ Y được thiết kế rộng 6m trong khi phần cầu trên đường Nguyễn Oanh rộng gần 12m. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 405,7 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 247 tỷ đồng được chi từ ngân sách thành phố.
Gói thầu chính xây dựng hạng mục cầu đã được mở thầu ngay trước tết và sẽ khởi công trong tháng 3-2015. Toàn bộ công trình sẽ hoàn thành trong vòng 6 tháng, tức trước dịp lễ Quốc khánh năm nay. Một khi đưa vào sử dụng, cầu vượt tại nút giao ngã sáu Gò Vấp sẽ giúp tăng năng lực thông hành, giảm tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt trong các giờ cao điểm tại điểm nóng giao thông này.
Hầm chui nút giao An Sương
Trong khi đó, địa bàn quận 12 có một dự án trọng điểm nằm trong kế hoạch cấp vốn đầu tư trong năm nay, đó là xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương. Đây là công trình hầm chui đôi theo hướng Trường Chinh - quốc lộ 22, mỗi hướng giao thông một hầm chui, có tuổi thọ 100 năm. Phần hầm kín có chiều dài 125m được chia làm 5 đoạn, mỗi đoạn dài 25m, rộng 9m. Hầm dẫn bên phía quốc lộ 22 dài 120m có 6 đốt, còn hầm dẫn phía đường Trường Chinh dài 100m gồm 5 đốt. Toàn bộ hầm dẫn đều là hầm hở có dạng chữ U. Tải trọng thiết kế cho hầm chui này là HL93 và vận tốc 50km/giờ. Tổng mức đầu tư cho dự án hơn 448 tỷ đồng lấy từ ngân sách thành phố, trong đó chi phí xây dựng chiếm 340 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 dự án xây dựng tuyến đường nối từ nút giao thông cầu Bà Chiêm đến Khu công nghiệp Hiệp Phước thuộc huyện Nhà Bè cũng được lên lịch trong năm nay. Theo thiết kế, đây là đường phố chính đô thị với chiều dài toàn tuyến 2.158m, bao gồm cầu Sa Sạp, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Gói thầu xây lắp cầu Sa Sạp đã khởi công và sẽ hoàn thành trong tháng 4-2015, tức trước kỳ nghỉ 30-4 và 1-5 năm nay, còn các gói thầu phần đường cũng sẽ khởi công trong năm. Tổng mức đầu tư toàn dự án 411,8 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 313 tỷ đồng.
Ở huyện Bình Chánh, vừa được khởi công trong tháng 1-2015 và sẽ hoàn thành đầu quý 2 năm nay là dự án nâng cấp mở rộng 1,65km tuyến quốc lộ 50. Theo đó xây dựng mới 1,65km đường giao thông với bề rộng 15m. Công trình cũng bao gồm xây dựng hệ thống thoát nước dọc tuyến đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của khu vực cho đoạn từ Km 6+665 đến Km 6+895, riêng đoạn từ Km 6+895 đến cuối tuyến là dạng thoát nước tự nhiên. Ngân sách nhà nước dành cho dự án này là 65 tỷ đồng.
Ngoài ra, cũng có thể nhắc đến một loạt dự án, công trình khác như công trình xây dựng cầu Kênh Lộ thuộc huyện Nhà Bè; dự án trải thảm bê tông nhựa mặt đường trục Bắc Nam giai đoạn 2, từ đại lộ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm đi qua quận 7 và huyện Nhà Bè; công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn từ nút giao Tân Kiên đến nút giao Bình Thuận thuộc huyện Bình Chánh; mở rộng tỉnh lộ 10 đi qua huyện Bình Chánh và quận Bình Tân, cụ thể từ ranh Long An đến cầu Tân Tạo dài hơn 8,1km…
Thiện Nhân
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu