(SGGP).- Sáng 13-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Phá sản (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Thảo luận tại phiên họp về dự án Luật Phá sản (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần xem xét lại đối tượng áp dụng của luật. Tham gia hoạt động kinh doanh thì phải thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phá sản, nhưng dự thảo luật chỉ mới gói gọn đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, hợp tác xã mà chưa quy định về các đối tượng là cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh là chưa bao quát hết.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện lại cho rằng quy định đối tượng áp dụng như dự thảo luật là phù hợp với tình hình của Việt Nam, nhất là trong tình trạng quá tải của tòa án như hiện nay. Ông nhận định, tiêu chí xác định doanh nghiệp lâm vào phá sản là cực kỳ quan trọng và là một trong những vấn đề then chốt để thụ lý và giải quyết các vụ án liên quan đến phá sản.
Theo ông Hiện, có những doanh nghiệp tiền vốn chỉ vài chục triệu đồng, vài trăm triệu đồng nhưng cũng có những doanh nghiệp lên đến hàng ngàn tỷ đồng, trăm ngàn tỷ đồng, do đó việc đưa ra tiêu chí doanh nghiệp, hợp tác xã “không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản” là không thực tế. Thay vào đó, cần xem xét trên cơ sở tỷ lệ nợ đến hạn không trả được của doanh nghiệp so với tổng vốn đăng ký kinh doanh.
Chia sẻ quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói rằng, định nghĩa phá sản trong dự thảo còn đơn giản và không thực tế, bởi nếu áp dụng theo đúng định nghĩa của dự thảo luật thì “99% doanh nghiệp hiện nay của Việt Nam sẽ nằm trong diện phá sản”! Bên cạnh đó, cần quy định chặt chẽ việc kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp làm thủ tục phá sản, bởi nếu không sẽ dễ xảy ra việc tẩu tán tài sản. Về việc phá sản doanh nghiệp nhà nước, ông Hiển cho rằng không nên có sự phân biệt về thủ tục mở phá sản giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để đảm bảo sự bình đẳng.
Liên quan đến thẩm quyền của tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị nghiên cứu bổ sung theo hướng quy định Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết thủ tục phá sản đối với hợp tác xã đăng ký kinh doanh tại huyện.
Theo tờ trình của Chính phủ, năm 2012 có 54.261 doanh nghiệp dừng hoạt động và giải thể (44.906 doanh nghiệp dừng và 9.355 giải thể). Trong khi đó, qua 9 năm thi hành Luật Phá sản 2004, tòa án đã thụ lý tổng số 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản. Trong đó, tòa án đã ra quyết định mở thủ tục phá sản 236 doanh nghiệp (chỉ 83 doanh nghiệp được tòa quyết định tuyên bố phá sản, còn 153 vụ việc chưa ra quyết định tuyên bố phá sản). Cơ quan soạn thảo dự luật nhận định, số lượng đơn yêu cầu tòa án tuyên bố phá sản so với số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động là rất thấp. Có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trong đó có nguyên nhân quy định pháp luật phá sản chưa phù hợp với tình hình kinh tế và xã hội, không tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức yêu cầu tuyên bố phá sản.
ANH PHƯƠNG