Thị trường mỹ thuật trong nước hứa hẹn khởi sắc

Tranh Việt được lên sàn đấu giá gây quỹ từ thiện, lần đầu tiên tranh Việt cũng được đấu giá vị nghệ thuật, được đấu giá mà không phải kiêm thêm bất kỳ chức năng nào khác…

Tranh Việt được lên sàn đấu giá gây quỹ từ thiện, lần đầu tiên tranh Việt cũng được đấu giá vị nghệ thuật, được đấu giá mà không phải kiêm thêm bất kỳ chức năng nào khác…

Thị trường mỹ thuật Việt Nam chưa kịp lắng xuống với hàng loạt sự kiện nóng thì một lần nữa, cuộc thi Họa sĩ trẻ chuyên nghiệp (VIETART Today 2016) với giải thưởng đầu tư hàng tỷ đồng như một luồng gió mới, tiếp thêm sinh khí cho thị trường mỹ thuật, tiếp thêm động lực để các nghệ sĩ trẻ nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật và không ngừng sáng tạo. Thị trường mỹ thuật đang đón nhận nhiều tín hiệu vui và hứa hẹn khởi sắc.

Khách quốc tế thưởng lãm tác phẩm của họa sĩ lão thành Quách Phong tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM

Sự khích lệ từ “Họa sĩ trẻ chuyên nghiệp”

Được khởi động từ tháng 10-2016 đến tháng 2-2017, cuộc thi “Họa sĩ trẻ chuyên nghiệp” với giải thưởng và giá trị đầu tư thuộc hàng “khủng” cho họa sĩ xuất sắc nhất lên đến 2,6 tỷ đồng đã khiến giới nghệ sĩ, nhất là các họa sĩ trẻ Việt Nam phấn khích.

Ra đời từ khát khao tìm kiếm con đường hình thành một nền mỹ thuật chuyên nghiệp dành cho họa sĩ trẻ Việt Nam, cuộc thi do The Vart phối hợp cùng Câu lạc bộ (CLB) Họa sĩ trẻ TPHCM (trực thuộc Hội Mỹ thuật TPHCM) tổ chức, được sự tài trợ của Galerie Nguyen.

Những tài năng được phát hiện từ cuộc thi sẽ có điều kiện tốt nhất để phát huy chuyên môn và cống hiến hết mình cho đam mê hội họa, cũng có nghĩa họ được sống và đi đến cùng với con đường sáng tác đã chọn, được trao cơ hội bước ra nền mỹ thuật rộng lớn của thế giới.

“Mỹ thuật không đơn giản là chuyện họa sĩ tạo ra tác phẩm, mà có sự liên hệ của nhiều yếu tố khác như giám tuyển (curator), nhà sưu tập, gallery, nhà đấu giá... Điều quan trọng đối với một họa sĩ là có một giám tuyển giỏi nghề, những nhà sưu tập có tâm. Các họa sĩ phải ra ngoài để tiếp xúc với trào lưu mỹ thuật thế giới hoặc mời những giám tuyển giỏi của thế giới đến hỗ trợ”, bà Ildegarda E. Scheidegger, Tiến sĩ Lịch sử mỹ thuật người Thụy Sĩ, nguyên Giám đốc phụ trách mảng Mỹ thuật châu Á của nhà đấu giá Sotheby’s đã từng chia sẻ trong lần đến Việt Nam năm 2015.

Với sự am hiểu về mỹ thuật châu Á, với cơ duyên và tình yêu dành cho mỹ thuật Việt Nam, là người bạn của The Vart, bà Ildegarda E. Scheidegger cùng 3 nhà sưu tập đến từ Singapore, Canada, Luxembourg và họa sĩ Trần Thanh Cảnh, Chủ nhiệm CLB Họa sĩ trẻ TPHCM, nhận lời tham gia giám khảo cuộc thi.

“Bạn là họa sĩ trẻ tin vào khả năng của mình. Bạn có khát khao góp phần đưa tiếng nói mỹ thuật của Việt Nam một ngày nào đó được cất lên mạnh mẽ trên thế giới. Hãy tham gia cuộc thi để từng bước chạm vào ước mơ của mình”, thông điệp cuộc thi nói lên tất cả. Không chỉ tìm kiếm, giúp đỡ, tạo điều kiện, kích thích các họa sĩ trẻ có tài năng sáng tạo, để từ đó giới thiệu tác phẩm của họ với hệ thống tiếp thị và chiến lược nâng đỡ lâu dài, cuộc thi còn chủ động tạo ra những nhịp cầu để phòng tranh và họa sĩ trẻ tìm thấy nhau, góp phần tạo dựng một môi trường mỹ thuật chuyên nghiệp hơn.

Họa sĩ, Nhà giáo nhân dân Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, cố vấn cuộc thi, chia sẻ: “Cuộc thi “Họa sĩ trẻ chuyên nghiệp” tạo điều kiện tốt, thuận lợi để phát hiện tài năng trẻ (sinh từ năm 1976 trở về sau) về mỹ thuật Việt Nam; giới thiệu mỹ thuật trẻ Việt Nam với các chuyên gia, những nhà sưu tập chính thống, những người yêu thích mỹ thuật trong khu vực và thế giới, giúp các bạn trẻ được dịp tiếp cận, thâm nhập vào không gian mỹ thuật chuyên nghiệp của cộng đồng quốc tế”.

Giải nhất gồm 100 triệu đồng tiền mặt, một chuyến tham quan hội chợ nghệ thuật quốc tế tại Singapore, ký hợp đồng độc quyền 5 năm với nhà tài trợ chính (số tiền mua tác phẩm lên đến 2,5 tỷ đồng). Giải nhì với cơ cấu tương tự và tổng giá trị hơn 1,5 tỷ đồng, giải ba hơn 1 tỷ đồng.

Cú hích từ nhà đấu giá mỹ thuật

Có lẽ đến giờ, dư âm vẫn còn nóng hổi với phiên đấu giá vị nghệ thuật đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức tại TPHCM. Giới nghệ thuật quan tâm đến sự kiện này bởi đây là lần đầu tiên tranh Việt Nam được lên sàn đấu mà không phải kiêm nhiệm thêm bất kỳ chức năng nào khác, trừ nghệ thuật. Càng quan tâm hơn khi sự kiện cũng đánh dấu sự chính thức ra mắt của Ly Thi Auction - nhà đấu giá mỹ thuật đầu tiên tại Việt Nam.

Dẫu vẫn còn nhiều chệch choạc và thiếu chuyên nghiệp trong khâu tổ chức (âm thanh, ánh sáng, cách thức điều hành đấu giá, đấu giá qua điện thoại…) tại phiên đấu đầu tiên, nhưng một điều có thể nhận thấy rất rõ từ sự kiện này là niềm vui không nhỏ của giới mỹ thuật. Bởi sau rất nhiều năm tháng thăng trầm của mỹ thuật Việt Nam, sau hàng loạt sự cố liên quan đến vấn nạn tranh nhái, tranh giả, tranh sao chép khiến giới sưu tập quốc tế mất niềm tin, phải quay lưng chạy dài, thì nay, mỹ thuật Việt Nam đã hồi sinh một thị trường thực sự. Và đáng mừng hơn là thị trường vừa hồi sinh này đã chọn cho mình con đường minh bạch và hướng đến chuyên nghiệp.

Có 4 trong tổng số 14 tác phẩm của các họa sĩ nhiều thế hệ được bán trực tiếp thông qua phiên đấu giá. Con số này tuy vẫn còn khiêm tốn nhưng ý nghĩa mà phiên đấu mang lại thì lớn hơn rất nhiều - phiên đấu giá đã thực sự mang lại một cái nhìn khách quan về thị trường mỹ thuật: khẳng định giá trị đích thực của tác phẩm, góp phần hình thành một thị trường mỹ thuật đúng nghĩa, thực sự minh bạch và phát triển.

Hình ảnh tại phiên đấu giá vị nghệ thuật do Lythi Aution tổ chức

Họa sĩ Lương Lưu Biên cho biết: “Sự kiện quan trọng này sẽ là một trong những bước đi mang lại sự minh bạch, chuẩn mực và niềm tin cho các nhà đầu tư, những người yêu nghệ thuật. Từ đó, chúng ta tin rằng có thể hướng đến lành mạnh hóa thị trường và môi trường nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay”.

Tiến sĩ Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, bày tỏ tuy phiên đấu giá chưa đạt được những kết quả như mong đợi, nhưng việc ra đời một sàn đấu giá mỹ thuật chuyên nghiệp là một tín hiệu vui, một sự kiện đáng khích lệ. Tôi nghĩ rằng, thị trường mỹ thuật Việt Nam rất cần thêm những sự mạnh dạn dấn thân như Ly Thi Auction.

Không chỉ có 14 tác phẩm được lên sàn đấu giá trực tiếp, ngay ở khu vực sảnh ngoài, ban tổ chức cho biết có khoảng chục tác phẩm của các họa sĩ trẻ đương đại được khách tham quan và mua trực tiếp, mức giá trung bình khoảng từ 2.000USD đến trên 5.000USD. Với lực lượng họa sĩ rất hùng hậu hiện nay, bên cạnh hệ thống gallery, những nhà đấu giá mỹ thuật đóng vai trò then chốt không thể thiếu.

Nhiều hứa hẹn phát triển

Tiến sĩ Ildegarda E. Scheidegger từng nhận định: “Ở Việt Nam có nhiều họa sĩ tài năng, những người yêu nghệ thuật chúng tôi có trách nhiệm phát hiện, ghi nhận và hỗ trợ để những tài năng đó phát triển. Chẳng hạn như hỗ trợ để họ được tiếp cận với công chúng, tiếp cận thị trường và mạng lưới chuyên nghiệp. Họa sĩ là chủ nhân tác phẩm của mình chứ không phải thị trường mỹ thuật”.

Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân nhận định, sau một thời gian dài rơi vào quên lãng vì nhiều lý do, thị trường mỹ thuật Việt Nam vài năm nay đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Minh chứng rõ nhất chính là Việt Nam đã xuất hiện một số nhà sưu tập tranh của các họa sĩ Việt. Họ là những người trẻ trí thức, có người là Việt kiều, họ có vốn sống và có nhiều trải nghiệm trong môi trường nghệ thuật, học tập hoặc làm việc tại nhiều nước trên thế giới. Họ có kiến thức, yêu thích mỹ thuật và có xu hướng sưu tập tác phẩm của các thế hệ họa sĩ Việt, từ tranh của các bậc đại thụ xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương đến các họa sĩ trẻ đương đại. Dẫu cho đấu giá tác phẩm vì gây quỹ từ thiện hay đơn thuần vì nghệ thuật, thì đó cũng là tín hiệu rất vui, tạo động lực rất lớn và nhiều hứa hẹn phát triển cho thị trường mỹ thuật.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục