Đam mê mỹ thuật, ngưỡng mộ những tài năng kiệt xuất thế giới, có khi bạn ước được nhìn tận mắt những kiệt tác của bậc thầy phong cảnh người Nga Isaac Levitan, hay mơ một lần được đến Bảo tàng nghệ thuật Louvre ở kinh đô ánh sáng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp và nụ cười bí ẩn của Nàng Mona Lisa (của danh họa người Italia Leonardo da Vinci, từ thế kỷ 16)… Đó hẳn là ý nghĩ của không ít tín đồ của nghệ thuật hội họa. Nhưng thật ra mà nói, để có thể nhìn ngắm những tác phẩm kinh điển này đôi khi bạn không cần phải đi đâu xa. Hãy làm một vòng Sài Gòn, bạn sẽ được thỏa ý.
“Kiệt tác” ào ạt xuống phố!
Tại những con đường ở TPHCM như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Đề Thám, Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Phú… khách hàng không khó để tìm một phòng tranh vừa ý trong số hàng trăm cửa hàng kinh doanh tranh chép. Đó là chưa kể đến những khu vực khác với hàng chục phòng tranh trên các đường quận 1, quận 3 như Nguyễn Đình Chiểu, Điện Biên Phủ…
Không quá lời nhưng có thể nói rằng, hầu hết các danh họa trên thế giới, từ thời Phục hưng như Leonardo de Vinci, Goya, trào lưu tân cổ điển như Ingres, trường phái lãng mạn như Théodore Géricault, dòng ấn tượng như Claude Monet, Renoir, Sisley đến xu hướng lập thể như Picasso, Braque, tranh trừu tượng của Kandinsky hay siêu thực của Sanvador Dali… đều nghiễm nhiên hội tụ trong thị trường tranh chép VN.
Bày tỏ ý định muốn có một bản sao Quán cà phê đêm của Van Gogh để treo phòng khách, anh Toàn, một nhân viên phòng tranh trên đường Đồng Khởi (quận 1) hét giá 1,5 triệu đồng với chúng tôi. Hỏi tác phẩm Mùa thu vàng của bậc thầy phong cảnh người Nga Isaac Levitan thì “giá phải tầm 2,5 triệu đến 3 triệu đồng thì mới nhận, vì bức này màu sắc và bố cục đều ở mức độ khó”, Toàn giải thích.
Bình thường một tác phẩm sao chép dạng này mất nhiều nhất khoảng một tuần là có, trung bình khoảng 4 - 5 ngày tùy theo kích thước, độ phức tạp của tác phẩm. Tuy nhiên, thử đặt hàng cũng 2 tác phẩm này với cùng kích thước tại một phòng tranh trên đường Trần Phú (quận 5), thì giá chỉ còn khoảng 1/3, từ 500.000 đồng đến khoảng 1 triệu đồng/bức! Tương tự, bức Nàng Mona Lisa trứ danh của Leonard de Vinci giá từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng ở khu Đồng Khởi chỉ còn khoảng 600.000 - 900.000 đồng ở các phòng tranh đường Nguyễn Văn Trỗi.
“Giá cả vô chừng, tôi quyết định chọn nơi giá rẻ vì tranh nào cũng là tranh chép cả thôi, không nhất thiết phải tốn quá nhiều tiền để trang trí như thế”, chị Nhung Nguyễn, một khách hàng từ Vũng Tàu chọn mua tranh nói. Tác phẩm của các danh họa thế giới không thiếu một ai, những tác phẩm tên tuổi của họa sĩ VN cũng góp mặt sôi nổi không kém trên thị trường này.
Đôi ngả song hành?
Thị trường tranh chép ở VN phát triển mạnh từ hơn 10 năm trước, hiện có phần chựng lại vì đã bão hòa. Trước đây, cũng có nhiều ý kiến lo ngại việc vi phạm bản quyền từ nghề kinh doanh tranh chép. Tuy nhiên, nhiều chủ cửa hàng tranh cho rằng, nhiều nước trên thế giới cũng có kinh doanh tranh chép chứ không riêng ở VN.
Hàng trăm cửa hàng kinh doanh tranh chép mọc lên như nấm liệu có ảnh hưởng tiêu cực đến thị hiếu thẩm mỹ xã hội và các đơn vị nghệ thuật đích thực, họa sĩ Trần Thị Thu Hà, chủ phòng tranh Tự Do (quận 1, TPHCM), bày tỏ: “Theo tôi dòng tranh nghệ thuật và dòng tranh thị trường, tranh trang trí là hai mặt của bức tranh xã hội và không quá ảnh hưởng đến nhau. Tranh thị trường (tranh chép) chủ yếu phục vụ nhu cầu trang trí. Ngoài những người trong nghề, không phải ai cũng có đủ khả năng nhận thức về mỹ thuật, thế nên, người chơi tranh nghệ thuật thật sự sẽ không bao giờ chọn tranh thị trường và ngược lại, người chọn tranh thị trường không đủ hiểu và yêu nghệ thuật đích thực”.
Cùng vấn đề này, họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, nhìn nhận: “Thực tế ở nhiều nước cũng có kinh doanh tranh chép. Tôi coi đây là hai dòng chảy trong thị trường mỹ thuật, nói tranh thị trường lấn át tranh nghệ thuật là có phần khập khiễng, không nên so sánh như thế. Vấn đề là nhận thức về mỹ thuật, nghệ thuật. Trước đây, Hội Mỹ thuật TPHCM từng xây dựng đề án đưa mỹ thuật vào giảng dạy ở bậc tiểu học, tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đề án này đã gác lại”.
| |
Minh An