Chiều 15-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về Công tác Phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn năm 2019.
Hội nghị do Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức theo hình thức trực tuyến đến cấp huyện, xã với số lượng đại biểu hơn 10.000 người. Hội nghị cũng có sự tham gia đông đủ của các địa phương, bộ ngành, tổ chức trong vào ngoài nước, các nhà khoa học, chuyên gia.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2019, thiên tai trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, bất thường với tổng số 600 đợt thiên tai quy mô cấp quốc gia và khu vực. Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra trong năm 2019 trên thế giới khoảng 150 tỷ USD.
Tại Việt Nam, thiên tai năm 2019 không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước với 16/21 loại hình thiên tai (bão, dông, lốc sét; lũ quét, sạt lở đất; rét đậm, rét hại; nắng nóng; mưa lớn, ngập lụt; trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long…).
Báo cáo cũng cho hay, thiệt hại do thiên tai năm 2019 ở Việt Nam đã được giảm thiểu tối đa, đặc biệt là về người (133 người chết và mất tích). Tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng, đã giảm nhiều so với thiệt do thiên tai gây ra năm 2018 (ước tính gần 20.000 tỷ đồng).
Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường; trên cả nước đã xảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng (nhiệt độ ngày 24/4 tại Hà Nội xuống 16,5 độ C, thấp nhất 50 năm gần đây); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; 11 trận động đất; sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại đồng bằng sông Cửu Long. Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai từ đầu năm đến nay gần 3.183 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn cũng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục. Năm 2019 thiên tai không nhiều nhưng vẫn có 133 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn số người thiệt mạng vẫn do bất cẩn đi lại khi mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng và công trình phòng chống thiên tai còn hạn chế (nhà cửa của nhân dân, cơ sở hạ tầng còn yếu dễ xảy ra sự cố khi lũ, bão.
Hiện vẫn còn trên 200 vị trí trên đê xung yếu; trên 1.700 hồ chứa nước vừa và nhỏ bị hư hỏng, xuống cấp, trong đó khoảng 200 hồ chứa xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ - đây là những quả bom nước hết sức nguy hiểm nếu chúng ta không có các phương án chủ động phòng ngừa để bảo đảm an toàn. Hàng trăm khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở; hệ thống tiêu thoát nước ở hang loạt đô thị không đáp ứng được yêu cầu nên thường xuyên xảy ra tình trạng úng ngập, ùn tắc giao thông nghiêm trọng khi mưa lớn, nhất là TPHCM và Hà Nội; hệ thống giao thông thường xuyên bị sạt lở, hư hỏng….
Bên cạnh đó, công tác giám sát, dự báo thiên tai đã có nhiều tiến bộ nhưng năng lực quan trắc, giám sát, dự báo vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội, chưa theo kịp với diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, bất thường do biến đổi khí hậu. Nhất là chúng ta chưa thể bảo đảm được mức độ chính xác cao trong dự báo mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất. Việc phòng ngừa rủi ro thiên tai chưa thực sự nhận được quan tâm đúng mức của nhiều ngành, nhiều địa phương khi triển khai nghiên cứu, lập các quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng. Điều này làm gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là trong lĩnh vực giao thông, xây dựng khi xây dựng các tuyến đường giao thông, khu dân cư, khu đô thị trong vùng lũ gây cản trở thoát lũ, tăng nguy cơ sạt lở, ngập úng (một số khu đô thị hệ thống tiêu thoát nước không đồng bộ, thiếu hồ điều hòa để chủ động trữ nước khi mưa lớn, có nơi còn san lấp hồ, kênh rạch để xây dựng).
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020 xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020; lũ tại các sông khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, lũ sông Cửu Long. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm nay cũng đã tạo ra một lịch sử mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp.
Quan điểm của Chính phủ là phải giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước khi thiên tai xảy ra.
Báo cáo cũng cho rằng, trung bình mỗi năm thiên tai làm trên 300 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP, xóa sổ nhiều thành quả, làm chậm sự phát triển ở nhiều khu vực, tác động đến mọi hoạt động dân sinh, kinh tế, an ninh quốc phòng của đất nước. Trong điều kiện ngân sách còn rất khó khăn, năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi trên 10.300 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách trung ương và các nguồn vốn khác để hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả thiên tai và xử lý sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở, di dời dân. |