
Chất lượng nguồn nước sông Đồng Nai và các sông nhánh như sông Sài Gòn, sông Thị Vải, sông Vàm Cỏ Đông, sông Đồng Tranh… ngày càng ô nhiễm. Điều này đe dọa trực tiếp đến nguồn nước cấp của nhà máy Thủ Đức, Nhà máy nước BOO Thủ Đức và Nhà máy nước Tân Hiệp, đang phục vụ sinh hoạt hàng chục triệu người dân.
Sông Đồng Nai kêu cứu
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, kết quả quan trắc tại 20 trạm trên sông Đồng Nai cho thấy, so với năm 2006, chất lượng nguồn nước có nồng độ ô nhiễm gia tăng. Trong đó, chỉ tiêu coliform vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,1 - 27,4 lần; BOD5 tăng từ 1,27 - 1,5 lần; COD tăng 1,03 - 1,31 lần. Ngoài ra, các kim loại nặng như chì, cadium, thủy ngân, đồng, Mangan… đều xuất hiện nhưng còn ở ngưỡng cho phép. Nguyên nhân là do tất cả các hoạt động phát triển kinh tế của 12 tỉnh - thành phố đều tập trung xung quanh hệ thống con sông này. Trong đó, còn nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nước thải sản xuất chưa được kiểm soát chặt chẽ, có nồng độ ô nhiễm cao vẫn tiếp tục thải ra sông.

Sông Đồng Nai đang gánh nhiều loại nước thải, rác. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Ông Trương Khắc Hoành, Phó Tổng giám đốc Nhà máy nước BOO Thủ Đức, cho biết kết quả quan trắc chất lượng nước sông khu vực thượng nguồn tại trạm Hóa An từ năm 2006 đến nay cho thấy nồng độ các chất ô nhiễm cũng gia tăng, nhất là những chất coliform, BOD, COD… Trong trường hợp các nguồn gây ô nhiễm không được kiểm soát và ngăn chặn, thì chỉ vài năm nữa và việc xử lý nước cấp phục vụ sinh hoạt sẽ rất khó khăn. Hàng triệu người dân sống dọc lưu vực sông Đồng Nai sẽ phải đối mặt với nguy cơ không có nước sử dụng và kinh tế của các tỉnh - thành tê liệt là điều khó tránh khỏi.
GS Lâm Minh Triết, Viện Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ năm 2001 nhiều nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về diễn biến ngày càng xấu đi của chất lượng nước sông Đồng Nai. Thời điểm đó, Văn phòng Chiến lược Bảo vệ Môi trường được thành lập và đã phải gấp rút xây dựng đề án bảo vệ môi trường hệ thống lưu vực sông Đồng Nai. Kế đến, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, họp bàn với lãnh đạo 12 tỉnh - thành để thống nhất phương án phối hợp ngăn chặn tình trạng ô nhiễm trên. Đáng tiếc là cho đến nay, những dự án và giải pháp nhằm cứu lấy con sông này vẫn chưa được triển khai hiệu quả.
Cần sự phối hợp liên vùng
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, riêng trên địa bàn thành phố, tình hình ô nhiễm công nghiệp đã được kiểm soát và cải thiện từng bước thông qua việc di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào các khu công nghiệp tập trung và vùng phụ cận; tăng cường thanh kiểm tra doanh nghiệp về lĩnh vực bảo vệ môi trường; buộc các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) gấp rút hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNTTT). Hiện các KCX-KCN, khu công nghệ cao đã xây dựng và vận hành HTXLNTTT; buộc doanh nghiệp trong KCX-KCN thực hiện tách riêng hệ thống thoát nước mưa và nước thải, đấu nối nước thải vào HTXLNTTT của KCX-KCN; triển khai đề án giám sát chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp; hỗ trợ các bệnh viện xây dựng hệ thống xử lý nước thải… Tuy nhiên, những biện pháp mà thành phố đang làm chỉ có thể ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường ở lưu vực sông Đồng Nai đoạn chảy qua thành phố.
Còn về cải thiện chất lượng môi trường toàn lưu vực sông Đồng Nai thì rất cần sự chung tay của lãnh đạo 12 tỉnh - thành. Ông Nguyễn Văn Phước cũng nhấn mạnh, trên cơ sở Chủ nhiệm Ban chỉ đạo chương trình đề án bảo vệ sông Đồng Nai (nhiệm kỳ 3 năm), UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá mức độ ô nhiễm sông Sài Gòn từ năm 2000 đến 2008; xác định nguồn gây ô nhiễm để làm cơ sở đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng nước sông Sài Gòn đối với hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, dân cư; phối hợp với Bình Dương thực hiện cải tạo và kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm kênh Ba Bò với tổng kinh phí 208 tỷ đồng, trích từ nguồn ngân sách của 2 tỉnh. Ngoài ra, sở đang xúc tiến thực hiện quan trắc chất lượng môi trường nước mặt; điều tra, thống kê các nguồn thải vào lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố; phân loại nguồn tiếp nhận nước thải các sông rạch; thiết lập hệ thống quan trắc tự động tại nhà máy xử lý nước thải tập trung của 13 KCX-KCN, doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ; đầu tư trang thiết bị phương tiện thiết bị lấy mẫu, đo đạc tại hiện trường cho phòng tài nguyên môi trường 24 quận huyện…
Tuy nhiên, theo GS Lâm Minh Triết, để có thể cải thiện được chất lượng nước sông Đồng Nai phải có sự phối hợp liên vùng. Trong đó, các tỉnh - thành phải xác định lại vai trò bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách. Các tỉnh - thành ngoài việc tự đánh giá mức độ ô nhiễm lưu vực sông tại tỉnh mình, hoàn thiện hơn hạ tầng xử lý chất thải thì cũng cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh - thành khác trong việc tổng hợp và thống nhất biện pháp cải thiện chất lượng nguồn nước, hệ sinh thái liên vùng; xử lý triệt để những doanh nghiệp cố tình xả thải chưa qua xử lý ra sông rạch… Có như vậy mới mong cải thiện hiện trạng suy thoái nguồn nước sông Đồng Nai hiện nay.
HOÀNG LAN